Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô

15/11/2021 18:23

Kinhte&Xahoi UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô.

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô, giai đoạn 2021-2030 với tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1 (2021-2025) là 2.144,523 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (2026-2030), cơ cấu nguồn vốn cho từng nội dung cụ thể sẽ được xác định sau khi thành phố tổng kết giai đoạn 1.

Kế hoạch được triển khai ở địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô. Đối tượng thụ hưởng: Xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh sinh sống ở các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế - xã hội hoạt động trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô

Nghề làm thuốc Nam giúp nhiều hộ dân người dân tộc Dao xã Ba Vì (huyện Ba Vì) thoát nghèo, vươn lên làm giàu (Ảnh tư liệu)
Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến năm 2030 và chia làm 2 giai đoạn. Tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1 (2021-2025) là 2.144,523 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí dành cho: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt là 144 tỷ đồng; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết 3,061 tỷ đồng.

Phát triển sản xuất, nông, lâm nghiệp, du lịch, củng cố phát triển ngành, nghề truyền thống, làng nghề, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị 369,783 tỷ đồng; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 1.500 tỷ đồng.

Phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực 8,324 tỷ đồng; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch 33,6 tỷ đồng; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em 32,739 tỷ đồng.

Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em 9,49 tỷ đồng; Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 43,526 tỷ đồng.

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Thu nhập bình quân đầu người tăng bình quân 20%/năm; Đến năm 2025, cơ bản bằng mức thu nhập bình quân khu vực nông thôn ngoại thành của thành phố; Cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố; Tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu làng văn hóa 65%; Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa 86 - 88%.

Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, kế hoạch nhằm bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 100% thôn, làng có nhà văn hóa; Duy trì 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; Tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia 80%-85%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo 75%-80%.

Phấn đấu thành phố đạt tỷ lệ 100% hộ dân được sử dụng nước sạch từ các nguồn và tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn theo quy định; 100% xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó, có 40% xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.

Thành phố cũng sẽ đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương.

Định hướng mục tiêu đến năm 2030: Mức sống và thu nhập của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với nhân dân các xã vùng ngoại thành Hà Nội. Cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố; Giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó, 60% đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.

100% xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Hoàn thành các chỉ tiêu trong mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030.

 Thanh Tùng - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/chien-luoc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-thu-do-183013.html