Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2020
Kinhte&Xahoi
Lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; quy định chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ...
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Dân trí)
Lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở
Có hiệu lực từ ngày 18/08/2020, Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ban hành ngày 30/06/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Theo quy định, đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo gồm:
1- Giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
2- Giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 08 năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
3- Giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
Quy định chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ
Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ban hành ngày 30/06/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ có hiệu lực từ ngày 15/08/2020.
Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về: Phân cấp quản lý đơn vị Dân quân tự vệ; số lượng Phó chỉ huy trưởng, tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị làm việc của Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; trang phục, sao mũ, phù hiệu của Dân quân tự vệ; mức hưởng chế độ phụ cấp các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ; định mức bảo đảm chế độ, chính sách cho từng thành phần Dân quân tự vệ; điều kiện, mức hưởng, trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí, chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bị ốm đau, bị tai nạn, chết.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Vietnammoi)
Quy định về tuyển chọn, đào tạo sĩ quan dự bị
Nghị định 78/2020/NĐ-CP ban hành ngày 6/7/2020 của Chính phủ về sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam có hiệu lực từ ngày 19/08/2020.
Nghị định trên quy định đối tượng được tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị gồm: Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ; hạ sĩ quan dự bị, cán bộ, công chức, viên chức và công dân tốt nghiệp đại học trở lên; sinh viên khi tốt nghiệp đại học.
Chế độ phụ cấp đối với quân nhân dự bị
Có hiệu lực từ ngày 21/08/2020, Nghị định 79/2020/NĐ-CP ban hành ngày 08/07/2020 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.
Nghị định này quy định phụ cấp đối với quân nhân dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên; phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị dự bị động viên; phụ cấp theo ngày làm việc; chế độ khám bệnh, chữa bệnh; chế độ trợ cấp tai nạn, trợ cấp chết do tai nạn hoặc chết do ốm đau, tai nạn rủi ro; trợ cấp đối với gia đình quân nhân dự bị; chế độ, chính sách đối với học viên đào tạo sĩ quan dự bị; chế độ viếng sĩ quan dự bị từ trần
Lê Hải - Pháp luật Plus