Để phòng chống dịch, các DN vừa phải tăng cường dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, vừa áp dụng các biện pháp phòng dịch để bảo đảm an toàn cho cán bộ công nhân viên, khách mua hàng.
Nghiêm túc phòng dịch
Với hơn 1.000 hộ chuyên kinh doanh hoa quả, mỗi ngày chợ Long Biên (quận Ba Đình) thu hút hàng nghìn người đến mua, bán nên tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19, vì vậy, việc phòng tránh dịch được Ban quản lý (BQL) chợ đặt ưu tiên hàng đầu.
Người dân mua hàng tại siêu thị Vinmart. Ảnh: Lê Nam
Trưởng BQL chợ Long Biên Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: BQL chợ đã tổ chức tuyên truyền về cách phòng, chống Covid-19 trên hệ thống loa truyền thanh của chợ mỗi ngày 11 lượt; Phát 10.000 tờ rơi tuyên truyền, quy định mọi người kinh doanh, hoặc vào chợ phải đeo khẩu trang. Trong chợ còn lắp 20 điểm với 400 chai nước sát khuẩn, để người dân rửa tay, sát khuẩn... Vào thứ 6 hàng tuần, đơn vị đều tổ chức phun thuốc phòng dịch và rắc vôi bột khử khuẩn toàn bộ chợ. Bên cạnh đó BQL còn phun thuốc phòng dịch cho 100% xe ô tô vào chợ, đo thân nhiệt cho tất cả bà con kinh doanh, đến giao thương tại chợ.
Thực tế cho thấy, không chỉ hệ thống chợ mới tăng cường phòng dịch Covid-19 mà tại các siêu thị việc phòng, chống dịch cũng được ưu tiên hàng đầu. Cụ thể, tại Trung tâm thương mại Aeon Hà Đông, hệ thống siêu thị MM Mega Market, Vinmart và Vinmart+ công tác phòng, chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng yêu cầu, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cụ thể khách hàng khi vào mua sắm đều phải đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang. Ngoài ra, tại các quầy thanh toán, đều có những tấm kính ngăn cách giữa nhân viên thu ngân và khách hàng, đánh dấu vị trí đứng của từng khách hàng khi thanh toán. Đối với kênh mua sắm online, các siêu thị cũng thuê bên thứ 3 là DN chuyên giao nhận hàng hóa và các DN này cũng phải bảo đảm công tác phòng dịch.
Tổng Giám đốc Công ty Bán lẻ BRG Retail Nguyễn Thái Dũng cho biết: Đơn vị đã thành lập ban chỉ đạo chống dịch và xây dựng quy chế hoạt động và các kịch bản ứng phó, trong đó có cả kịch bản xấu nhất là siêu thị, cửa hàng bán lẻ nằm trong vùng bị phong tỏa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi dịch Covid-19 mới bùng phát, công tác phòng, chống dịch được người tiêu dùng thực hiện nghiêm túc. Nhưng hiện nay một số khách hàng còn chủ quan với dịch Covid-19 nên không chịu đeo khẩu trang khi vào mua sắm... Do đó, phía DN đã phải tăng cường nhắc nhở từ công nhân viên, khách hàng và nhà cung cấp thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch Covid-19.
Sẵn sàng các phương án phân phối hàng hóa
Song song với việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, hệ thống chợ đầu mối, siêu thị đã tăng cường công tác dự trữ hàng hóa tăng gấp 2 - 3 lần so với bình thường và cam kết không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến khi dịch diễn biến phức tạp.
Tại buổi kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa và phòng, chống dịch Covid-19 của các DN bán lẻ, chợ truyền thống do Sở Công thương Hà Nội vừa tổ chức, Giám đốc vùng khu vực Hà Nội của Hệ thống siêu thị VinMart Nguyễn Thị Hiền cho biết: DN có 2 kho dự trữ hàng hóa với tổng diện tích 24.000m2, có thể dự trữ 1,4 triệu sản phẩm/ngày. Hiện công ty đang dự trữ lượng hàng hóa tăng gấp 5 - 10 lần so với bình thường. Không chịu thua kém, Hệ thống siêu thị BRG Retail cũng tăng khoảng 300% lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu tại 47 điểm bán hàng trên toàn hệ thống. Bên cạnh đó, DN cũng giảm bớt nhập vào các mặt hàng không thiết yếu để lấy diện tích dự trữ các hàng thiết yếu.
Nhằm đưa hàng hóa tới tận tay người dân, qua đó hạn chế lượng khách hàng tập trung vào một số điểm mua sắm, từ tháng 3 đến nay BRG Retail đã mở 25 điểm bán hàng tại khu vực đông dân cư. Dự kiến, đến hết tháng 12/2020 sẽ nâng số điểm bán lên 100 điểm.
Tương tự, Giám đốc Siêu thị AEON Hà Đông Đỗ Ngọc Khánh Chi cho biết: Đến thời điểm này, lượng hàng hóa dự trữ trên toàn hệ thống siêu thị đã tăng từ 1,5 - 2 lần so với thông thường. Ngoài bán hàng trực tiếp, các siêu thị còn mở thêm nhiều kênh bán hàng online (qua điện thoại, qua phần mềm và website) để khách hàng có thể mua sắm hàng hóa thiết yếu hàng ngày.
Để bảo đảm việc cung cấp hàng hóa trên địa bàn TP được kịp thời, thông suốt, các siêu thị, chợ truyền thống có chung kiến nghị: Khi có lệnh cách ly hoặc giãn cách xã hội, TP Hà Nội tạo điều kiện để các xe giao hàng được hoạt động, giao hàng vào các khung giờ cấm. Ngoài ra, các tỉnh, thành cả trước trong đó có Hà Nội hỗ trợ DN điều tiết hàng hóa giữa các kho của DN về các điểm bán.
“Hiện TP Huế đang có quy định khi vận chuyển hàng hóa từ Quảng Nam ra siêu thị Nghệ An, Hà Tĩnh khi qua Huế, DN buộc phải chuyển tải, thay đổi tài xế, điều này đã khiến chi phí tăng cao, gián đoạn vận chuyển gây khó khăn không nhỏ cho hệ thống siêu thị Vinmart" - bà Nguyễn Thị Hiền nêu ví dụ. Đồng thời các DN mong muốn Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ DN bán lẻ tiếp cận vốn vay để DN có thêm khả năng tích lũy nhiều hàng hóa.
Phản ánh của các DN bán lẻ cho thấy, hiện ngành công thương Hà Nội đã bảo đảm đủ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịch Covid-19. Tuy nhiên, các DN chú trọng phòng chống dịch, nhất là qua kênh bán hàng online, tránh bị lây nhiễm từ việc vận chuyển hàng hóa về kho và từ kho về hệ thống phân phối.
"Để tạo điều kiện cho DN vận chuyển hàng hóa, từ đầu năm đến nay Sở Công Thương đã 2 lần trình UBND TP Hà Nội số lượng xe chuyển được phép hoạt động trong giờ cao điểm. Riêng với vấn đề một số tỉnh, thành không cho xe vận chuyển hàng đi qua địa phương mà phải chuyển tải, Sở sẽ kiến nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội để báo cáo với Chính phủ, từ đó có một chỉ đạo chung nhất đối với 63 tỉnh, thành. Qua đó bảo đảm lưu thông hàng hóa phòng chống dịch của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung được thông suốt.
Cùng với việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, không để khan hàng, tăng giá, Sở đã yêu cầu các siêu thị cần sẵn sàng phương án đưa hàng hóa về nông thôn, nhất là các vùng có người dân bị cách ly do dịch Covid-19. Các huyện ngoại thành đã bố trí các nhà văn hóa, trung tâm thể thao không sử dụng đến để các DN có thể đưa hàng đến nhất là các vùng có người dân cách ly." - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan
"Việt Nam đi đầu trong công tác chống dịch Covid-19 và có thể trở lại tốc độ phát triển kinh tế tốt hơn so với các nước khác. AEON hiện là tập đoàn bán lẻ lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, cùng với kinh nghiệm chống dịch ở các nước khác, AEON đã và đang thực hiện công tác chống dịch một cách nghiêm túc ở Việt Nam. Đồng thời, AEON sẽ làm việc với chuỗi các nhà cung cấp ở Việt Nam và các nước khác để có thể cung cấp được một lượng hàng hóa đầy đủ nhất cho người tiêu dùng." - Giám đốc khu vực miền Bắc - Công ty TNHH AEON Việt Nam Nishikawa Satoshi. |
Lê Nam- Theo KTĐT