Chợ hoa Quảng An thuộc quận Tây Hồ, TP Hà Nội vẫn được biết đến là chợ hoa lớn nhất miền Bắc và chỉ họp trong đêm. Nguồn gốc hoa ở đây chủ yếu từ các vùng nổi tiếng như Tây Tựu, Từ Liêm, Đông Anh và một phần hoa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Phiên chợ bắt đầu đông đúc từ lúc 23h đêm ngày hôm trước.
Chủng loại hoa tại phiên chợ cuối tháng này rất phong phú. Bên cạnh các loại hoa phổ biến như ly, hồng, lan, lay ơn, cúc... hôm nay ở chợ còn xuất hiện thêm nhiều loại độc, lạ như: hoa daisy, hoa đồng tiền…
Nhiều loại hoa lạ và ít người biết cũng được bày bán tại phiên chợ.
Theo ghi nhận của phóng viên Tòa soạn Pháp luật Plus, từ 23h đêm ngày 11/1 (tức ngày 29/11 âm lịch), các chủ hoa, thương lái đã bắt đầu về họp phiên chợ cuối tháng 11 âm lịch. Chỉ chưa đầy 2 giờ đồng hồ sau, chợ bắt đầu đông đúc, nhộn nhịp bất kể nhiệt độ ngoài trời lúc này đang là 10 độ C.
Phiên chợ dần đông đúc, tấp nập người buôn, kẻ bán.
Thông tin cho phóng viên, một tiểu thương đến từ phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm cho biết gia đình anh đã làm nghề trồng hoa được 12 năm. Tất cả hoa mà gia đình anh trồng được đều mang hoa đến chợ Quảng An để bán.
Để có hoa mang đến chợ bán, trước đó một ngày, gia đình anh đã phải cắt hoa tại ruộng rồi mang về xếp và bó lại từ tối, có khi từ chiều nếu nhiều hoa để kịp mang ra phiên chợ lúc 23h30 đêm.
Hoa hồng đỏ vẫn là mặt hàng bán chạy và được giá nhất.
Đến khoảng 2h30 phút sáng 12/1, phiên chợ đã xuất hiện cảnh chen chúc đông người do số lượng thương lái và khách mua hoa ngày càng nhiều.
Dù ngoài trời đang là 10 độ C nhưng phiên chợ vẫn đông đúc, nhộn nhịp.
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Hữu Lăng (38 tuổi, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm), một chủ sạp hoa tại đây cho biết: Năm nay, thị trường hoa có khả năng sẽ lên giá do ảnh hưởng của thời tiết.
Thời tiết tại miền bắc năm nay rét đậm và kéo dài đã tác động đến quá trình sinh trưởng của hoa. Vì vậy, khả năng hoa chậm nở, chậm cho thu hoạch là rất nhiều, dịp tết sẽ không có nhiều hoa có thể xuất ra thị trường, từ đó có thể dẫn đến cháy hàng và giá hoa bị đẩy lên. - Anh Lăng lí giải.
Thời điểm 3h sáng là lúc cao điểm và tập trung nhiều thương lái nhất tại đây.
Tại phiên chợ đêm 11/1, giá các loại hoa cũng đã tăng nhẹ so với phiên chợ giữa tháng 11 âm lịch, như một bó ly cũng có giá dao động từ 120.000 đồng đến 155.000 đồng.
Một số loại hoa đã tăng giá do lượng hoa cung cấp cho thị trường bị giảm vì tác động của thời tiết.
Cũng theo một số tiểu thương tại đây, giá hoa rơn tại phiên chợ hôm nay cũng đã tăng khoảng hơn 20%, giá một bó rơn có thể lên đến hơn 200.000 đồng.
Ngoài hoa Hồng đỏ, hoa Rơn được được cho là khá đắt hàng tại phiên chợ.
Một vài góc nào đó, hoa Đào cũng đã được bày bán báo hiệu dịp tết Nguyên Đán đã cận kề.
Một vài cành hoa Đào cũng đã được bày bán tại phiên chợ.
Chợ hoa vẫn nhộn nhịp và đông đúc đến 3h30 sáng. Lúc này, không ít tiểu thương cũng đã “nhập” (mua) được đủ số lượng và loại hoa cho việc buôn bán của mình. Họ bắt đầu xếp những bó hoa, đủ các loại lên những chiếc xe máy để chuẩn bị chở về. Những chiếc xe máy này có biển số của các tỉnh lân cận Hà Nội như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương….
Anh Trần Văn T, một thương lái mua hoa đang xếp hoa lên xe để mang về.
Hàng trăm chiếc xe máy xếp ngăn nắp hai bên đường, mỗi chiếc xe là 1,2 bóng người, thoăn thoắt ôm hoa, bó hoa, xếp hoa ngăn nắp, chắc chắn mà chẳng chậm chạp. Những con người này dường như đã quên đi và không còn cảm thấy giá rét của mùa đông.
Hàng trăm chiếc xe máy được dựng bên đường là phương tiện chở hoa của các tiểu thương.
Đến 4h sáng, đa phần các tiểu thương cũng đã chọn, mua được đủ hoa mà mình cần và bắt đầu mang hoa về.
Cô Mùi (68 tuổi), nhà tại phường Nhật Tân, sau khi lựa được cho mình đủ số hoa cúc cũng đã bắt đầu gánh hoa lên khu phố cổ để bán.
Cô Mùi bắt đầu gánh hoa lên khu phố cổ để bán sau khi mua được đủ số hoa cúc mình cần.
Một tiểu thương khác cũng đang chở hoa bằng xe đạp về địa điểm bán của mình.
Gia Hải - Pháp luật Plus