Cho phép sử dụng số định danh cá nhân khi đăng ký kinh doanh hợp tác xã

22/10/2022 19:52

Kinhte&Xahoi Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, như: Bỏ yêu cầu về phương án sản xuất kinh doanh, cho phép sử dụng số định danh cá nhân khi đăng ký kinh doanh.

Mở rộng đối tượng tham gia tổ chức kinh tế hợp tác

 Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, chiều 22/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Hợp tác xã (HTX) (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ

Theo Tờ trình, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về tên dự án Luật với 2 phương án.

Một là, sử dụng tên Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Việc đổi tên Luật tạo sự phân biệt rõ ràng giữa tên gọi chung của các hình thái tổ chức này với tên gọi riêng của từng loại hình tổ chức kinh tế HTX; Giúp tránh nhầm lẫn giữa các trường hợp khi “HTX” được dùng với ý nghĩa chỉ là Hợp tác xã và khi “HTX” được dùng với ý nghĩa bao gồm cả các tổ chức kinh tế hợp tác khác, như tổ hợp tác, liên hiệp HTX....

Phương án 2 là giữ nguyên, Luật Hợp tác xã, bảo đảm tính ổn định, thống nhất trong quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có dẫn chiếu đến Luật Hợp tác xã, không ảnh hưởng đến việc tra cứu, sử dụng và áp dụng luật.

Dự thảo Luật trình Quốc hội bám sát 5 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua.

Một là, hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên HTX. Trong đó, các thay đổi đáng chú ý là mở rộng đối tượng tham gia tổ chức kinh tế hợp tác với cá nhân từ 15 tuổi trở lên, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân; Thành viên liên kết có góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn...

Hai là, mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện.

Ba là, mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển. Tăng tỷ lệ vốn góp tối đa của thành viên HTX từ 20% lên 30% vốn điều lệ, của thành viên liên hiệp HTX từ 30% lến 40% vốn điều lệ.

Bốn là, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành HTX

Năm là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể. Cắt giảm thủ tục hành chính: Bỏ yêu cầu về phương án sản xuất kinh doanh, về cấp con dấu; Cho phép sử dụng số định danh cá nhân khi đăng ký kinh doanh.

Tránh việc lạm quyền, làm mất đi bản chất của HTX

 Trình bày báo cáo thẩm tra của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị cân nhắc giữ tên như đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Cùng với đó, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị làm rõ, nghiên cứu 12 nhóm vấn đề, nội dung đang được dự thảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Ví dụ về mô hình tổ chức quản trị đối với các hình thức tổ chức HTX, Dự thảo Luật đã thiết kế 2 mô hình quản trị.

Mô hình thứ nhất là quản trị rút gọn, bao gồm Đại hội thành viên, Giám đốc, Kiểm soát viên áp dụng đối với HTX quy mô siêu nhỏ, Liên hiệp hợp tác xã dưới 10 thành viên;

Mô hình thứ hai là quản trị đầy đủ bao gồm Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên áp dụng đối với HTX quy mô nhỏ, vừa, lớn, Liên hiệp hợp tác xã từ 10 thành viên trở lên, Liên đoàn hợp tác xã.

Việc thiết kế 2 mô hình quản trị đối với quy mô và loại hình HTX khác nhau như trên, theo Ủy ban Kinh tế, là phù hợp vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong quản trị nội bộ của các HTX nhưng đồng thời đáp ứng được yêu cầu kiểm soát nội bộ hoạt động của HTX theo Điều lệ HTX quy định.

"Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về quyền hạn, nghĩa vụ của Hội đồng quản trị và Đại hội thành viên, tránh việc lạm quyền, làm mất đi bản chất của HTX, bảo đảm quyền quyết định của Đại hội thành viên", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế đại diện sở hữu kinh tế tập thể, HTX.

Thực tế, các HTX chủ yếu hoạt động với quy mô siêu nhỏ, dưới 10 thành viên. Một số HTX được thành lập mang tính chất gia đình, chưa phát huy được vai trò hỗ trợ thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng bản chất HTX.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định hợp lý về số lượng thành viên HTX; Quy định về lộ trình tăng số lượng thành viên theo thời gian hoạt động của HTX; nghiên cứu các tiêu chí hỗ trợ ưu tiên cho HTX có nhiều thành viên và các quy định để khuyến khích các thành viên mới tham gia HTX.

Liên quan đến Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, một số ý kiến nhất trí với việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã nhằm thúc đẩy việc tiếp cận vốn của các HTX.

Nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn quy định tại Điều 21 dự thảo Luật về nguồn hình thành Quỹ, cơ chế vận hành Quỹ và cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương và ở cấp tỉnh nhằm bảo đảm một mặt phát huy tính tích cực của Quỹ trong việc hỗ trợ cho các HTX tiếp cận vốn, nhất là việc tiếp cận vốn để đầu tư phát triển khoa học công nghệ nhưng mặt khác cũng phải bảo đảm tính hiệu quả, công khai, minh bạch của Quỹ này.

Đồng thời, phải làm rõ vai trò và chức năng của Quỹ để tránh chồng chéo, trùng lặp với vai trò và chức năng của Ngân hàng Hợp tác xã và Quỹ tín dụng Nhân dân.

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/cho-phep-su-dung-so-dinh-danh-ca-nhan-khi-dang-ky-kinh-doanh-hop-tac-xa-208624.html