Dù sau rất nhiều năm chậm trễ thực hiện chỉ đạo của cấp trên về việc chấm dứt cho thuê nhà đất nhưng ban lãnh đạo của Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng (PC Hải Phòng) chỉ nhận hình thức là rút kinh nghiệm. Tại sao lại như vậy?
PC Hải Phòng vừa có văn bản báo cáo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) về việc thực hiện kết luận kiểm tra của EVNNPC tại PC Hải Phòng.
Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng (PC Hải Phòng)
Kết luận kiểm tra của EVNNPC được thực hiện sau khi báo chí phản ánh việc PC Hải Phòng cho thuê nhà đất công sai quy định, thu lợi hàng chục tỉ đồng. Trong đó, EVNNPC yêu cầu PC Hải Phòng chấm dứt ngay các hợp đồng cho thuê văn phòng và kiểm điểm các cá nhân, tập thể.
Trong báo cáo do ông Vũ Đức Hoan, Chủ tịch kiêm giám đốc kí, PC Hải Phòng cho biết, hiện tại PC Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hoàn thiện hồ sơ chấm dứt cho thuê mặt bằng và thanh lý hợp đồng cho thuê. Đồng thời, Ban giám đốc, phòng kế hoạch, phòng tài chính kế toán và khách sạn điện lực đã tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong các tác quản lý đối với việc cho thuê nhà đất khi chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản.
Thế nhưng, theo nguồn tin của PV, sau nhiều lần báo cáo kết quả xử lý trách nhiệm của PC Hải Phòng, EVNNPC đã không đồng ý với hình thức rút kinh nghiệm trên và yêu cầu PC Hải Phòng kiểm điểm lại, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức liên quan.
Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH NSX.
Trao đổi với Phóng viên, Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH NSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Rút kinh nghiệm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 năm 2008 không thuộc các trường hợp xử lý kỷ luật cán bộ công chức.
Đây là một cách thức cơ quan quản lý cấp trên xử lý nội bộ theo cảm tính mà chưa tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành. Rút kinh nghiệm là một kiểu quản lý rất thiếu tính pháp lý, hình thức này không phải quy phạm pháp luật.
Dường như đây là cách lách luật để biến những sai phạm dù đã luật pháp điều chỉnh phải thi hành kỷ luật thành sự việc có tính nội bộ, sai phạm lớn, nghiêm trọng thành nhỏ, sai phạm nhỏ trở thành không có”.
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản gửi EVNNPC yêu cầu làm rõ nguyên nhân xác định trách nhiệm và có hình thức xử lý phù hợp với các đơn vị, cá nhân có liên quan đến các vi phạm xảy ra tại PC Hải Phòng.
Văn bản do ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV kiêm Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng EVN kí ban hành. Cụ thể, ông Thành yêu lãnh đạo EVNNPC khẩn trương chỉ đạo ông Chủ tịch kiêm Giám đốc PC Hải Phòng thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị sau kiểm tra của EVNNPC.
Chủ tịch EVN cũng yêu cầu EVNNPC chỉ đạo PC Hải Phòng căn cứ phân cấp quản lý cán bộ, tổ chức kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân xác định trách nhiệm và có hình thức xử lý phù hợp với các đơn vị, cá nhân có liên quan, bảo đảm đúng tính chất, mức độ sai phạm, tồn tại đã xảy ra; Báo cáo Tập đoàn kết quả thực hiện trước ngày 15/11/2019.
Như vậy, sau thời gian dài xảy ra hàng loạt sai phạm trong quản lý, điều hành tại PC Hải Phòng thì việc xử lý cá nhân liên quan vẫn chưa được hoàn tất theo tinh thần chỉ đạo của EVN.
Sự việc xảy ra tại PC Hải Phòng không chỉ nằm trong phạm vi xử lý của ngành điện mà còn có sự vào cuộc của Thành ủy, chính quyền TP Hải Phòng. Vào tháng 7/2019, UBKT Thành uỷ Hải Phòng đã ban hành Quyết định 229 về việc rà soát, đánh giá việc lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ, lãnh đạo PC Hải Phòng trong công tác cán bộ, mua sắm tài sản, vật tư thiết bị và quản lý cho thuê tài sản công tại PC Hải Phòng.
Tổ công tác của UBKT Thành uỷ Hải Phòng gồm 4 thành viên do ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Thành uỷ, làm tổ trưởng (Hiện ông Tuấn đã được Thành ủy điều động về làm Bí thư quận ủy Hải An). Thời gian làm việc của Tổ công tác này diễn ra trong 30 ngày từ ngày 12/7. Tuy nhiên, cho đến nay (tháng 12/2019), UBKT Thành ủy Hải Phòng vẫn chưa công bố công khai kết quả kiểm tra.
Dư luận đặc biệt mong chờ vào kết quả của cuộc tổng rà soát này, đặc biệt tin tưởng vào sự công tâm, khách quan của UBKT Thành uỷ Hải Phòng.
Thực tế, việc quản lý, sử dụng nhà đất tại PC Hải Phòng đã được EVN, EVNNPC nắm rõ từ lâu và đã có hàng loạt văn bản yêu cầu PC Hải Phòng dừng cho thuê làm văn phòng. Tuy nhiên, thực tế thì lại không diễn ra như tinh thần chỉ đạo của EVN và EVNNPC. Gần đây nhất vào năm 2018, EVN tiếp tục phát đi văn bản gửi tới EVNNPC về việc hoàn thiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên địa bàn TP Hải Phòng.
Văn bản này có thông tin nêu rõ: Rà soát, hoàn thiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của tập đoàn trên địa bàn TP Hải Phòng theo đúng quy định; Chỉ đạo các đơn vị thành viên chấm dứt việc cho thuê nhà/đất sai quy định của pháp luật trên địa bàn các tỉnh/thành phố nói chung và trên địa bàn TP Hải Phòng nói riêng. Theo văn bản này, EVNNPC phải yêu cầu PC Hải Phòng phải chấm dứt việc cho thuê nhà/đất sai quy định.
Theo hồ sơ, PC Hải Phòng cho Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình thuê lại một phần trụ sở với Hợp đồng 3 năm từ 2014 - 2017 với diện tích 190m2, tổng số tiền là 4,7 tỷ đồng; và 01 Hợp đồng nữa với giá trị 2,4 tỷ đồng.
Cũng tại địa điểm nhà đất số 9 Trần Hưng Đạo, đơn vị này còn cho Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam - chi nhánh Hải Phòng (VIB) thuê với số tiền đã thu là 2,6 tỷ đồng và 6,08 tỷ đồng.Tại trụ sở làm việc khu nhà số 7B Trần Hưng Đạo (Khách sạn Điện lực) thì đơn vị này cũng cho nhiều công ty thuê lại như Công ty Cổ phần địa ốc MB (thời hạn 2018 - giá trị 8,6 tỷ đồng);
Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ PVI Sunlife (thời hạn 2017 - giá trị 1,8 tỷ đồng); Chi nhánh Công ty liên danh PIL Việt Nam (thời hạn 2017 - giá trị 644 triệu đồng). |