Chống dịch từ cơ sở và kinh nghiệm của Hà Nội

11/09/2021 19:44

Kinhte&Xahoi Trong trận chiến lần thứ tư chống “giặc” Covid-19, Hà Nội chuyển hướng mạnh mẽ từ phòng ngự sang tấn công, với nhiều nhiệm vụ mới, khó, chưa có tiền lệ. Với tinh thần cầu thị và quyết tâm cao, thành phố đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trở thành kinh nghiệm quý để các địa phương trong cả nước học tập. Trong đó, đáng phải kể đến là Hà Nội đã làm tốt việc phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị cơ sở, trong phòng, chống dịch.

Bài 1: Lấy kết quả phòng, chống dịch làm thước đo năng lực, trách nhiệm

 Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư từ cuối tháng 4/2021 là nặng nhất tại Hà Nội từ trước đến nay. Để đối phó với dịch bệnh, thành phố đã chủ động thực hiện các biện pháp “3 trước”, “4 tại chỗ”, phong tỏa điểm nhỏ, khóa chặt nguồn lây theo mô hình “3 lớp”, thực hiện phân vùng chống dịch, xét nghiệm và tiêm chủng diện rộng…

Trong mọi biện pháp, Hà Nội đã chú trọng chuyển từ “phòng ngự” sang “tấn công” với sự chủ động được đẩy mạnh ở các cấp chính quyền từ thành phố tới cơ sở.

UVBCt, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng động viện người dân tham gia trực chốt kiểm soát tại xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì (Ảnh: Viết Thành)

Chủ động, kiên quyết, kiên trì

 Trong suốt “cuộc chiến” dai dẳng với Covid-19, công tác phòng, chống dịch của thành phố Hà Nội đã để lại nhiều dấu ấn, được Trung ương, Chính phủ nhiều lần biểu dương. Trong đó, nhiều ý kiến ghi nhận, Hà Nội đã không chỉ bám sát tình hình, dự báo chính xác mà còn đưa ra giải pháp kịp thời, phù hợp.

Thành phố đã làm tốt việc phân cấp, phân quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo; Chú trọng chuẩn bị “4 tại chỗ” để chủ động trong mọi tình huống, phương án. Ngoài ra, giải pháp duy trì giãn cách xã hội, phân vùng chống dịch, kết hợp với xét nghiệm diện rộng để bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng động, truy vết tận cùng F1 mà Hà Nội đang triển khai thực hiện cũng được đánh giá là giải pháp quyết định giúp thành phố sớm đẩy lùi dịch bệnh, trở lại trạng thái bình thường mới.

Có nhiều bài học kinh nghiệm hay trong cách phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội đã được phổ biến, nhân rộng trên cả nước, mà bài học có ý nghĩa rất quan trọng được thành phố thực hiện tốt là huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; Đặc biệt là hệ thống chính trị ở cơ sở kết hợp với huy động sức dân, các tổ Covid-19 cộng đồng tham gia chống dịch.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài nhìn nhận, Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, có sự thống nhất, thông suốt trên, dưới như một trong phòng, chống dịch Covid-19. Việc lãnh đạo thành phố đi kiểm tra tận nơi, xem xét các vấn đề cụ thể từng địa bàn đã tác động rất mạnh tới hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo thành sự thống nhất trong cả hệ thống chính trị với tinh thần bao trùm là: “Chống dịch như chống giặc”, coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên số 1.

Quả thật vậy, xuyên suốt hơn 4 tháng qua từ khi dịch bùng phát đợt mới tại Hà Nội, thành phố đã có chỉ đạo từng cấp, ngành, đơn vị trong bất cứ tình huống nào cũng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND, Hà Nội đã áp dụng các biện pháp mạnh nhất gần với Chỉ thị 16 của Thủ tướng để quyết tâm ngăn dịch. Trước hạn chế như ở một số nơi việc thực hiện còn chưa nghiêm túc, người dân ra đường ở một số trục đường, khu vực vẫn rất đông, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã yêu cầu các quận huyện căn cứ vào tình hình thực tế để thực hiện các biện pháp phòng dịch mạnh mẽ hơn.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải đảm đương thật tốt vai trò “tư lệnh”, quán xuyến toàn diện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; Nắm bắt ngay yêu cầu mới, bám sát địa bàn phụ trách, trọng tâm là siết chặt kỷ cương, kỷ luật, tất cả nhằm bảo vệ an toàn sức khoẻ, tính mạng người dân.

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh tặng quà động viên Tổ Covid -19 cộng đồng ứng trực ở điểm phong tỏa ngõ 200 Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa)

Mỗi địa bàn phải tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị số 17/CT-UBND và xử lý nghiêm các vi phạm, không để xảy ra tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”. Chính quyền các cấp, trực tiếp là người đứng đầu phải công khai số điện thoại trực đường dây nóng và trực phòng, chống dịch để người dân biết liên hệ; Tổ chức trực ban 24/7 để kịp thời giải quyết công việc trong mọi tình huống.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nhấn mạnh, "thành phố cần quyết liệt hơn và muốn quyết tâm, quyết liệt thì từ cơ sở phải có chung nhận thức mới thực hiện được".

Siết chặt kỷ cương, vì sự an toàn của người dân

 Trong công tác đấu tranh và giữ vững thành quả phòng, chống dịch, yêu cầu tiên quyết được thành phố đưa ra là tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, bảo vệ bằng được thành quả công tác phòng, chống dịch vì an toàn và sức khoẻ Nhân dân.

Từng địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương và thành phố; Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và công điện của Chủ tịch UBND TP; Thực hiện rà soát, cập nhật, có phương án, kịch bản phòng, chống dịch cụ thể, chủ động, chặt chẽ, phù hợp thực tiễn và phải chuẩn bị phương án cao nhất.

Cấp ủy các cấp phải lãnh đạo hệ thống chính trị và huy động sự vào cuộc của toàn thể Nhân dân để phòng, chống dịch; Triển khai quyết liệt các biện pháp phát hiện nhanh, khoanh vùng gọn, cách ly kịp thời, thần tốc truy vết, xét nghiệm sàng lọc, điều trị tích cực, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên diện rộng…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình)

Hà Nội cũng yêu cầu người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn phụ trách với phương châm “4 tại chỗ”; Phân công cán bộ ứng trực để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh; Chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.

Để siết chặt kỷ cương và kịp thời chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch, các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên bám sát địa bàn được phân công; Kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã trong công tác phòng, chống dịch, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Khi xuất hiện những biểu hiện chủ quan, buông lỏng ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương, thành phố chỉ đạo phải chấn chỉnh ngay.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu, từng nhiệm vụ phải gắn với trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu. Bí thư quận, huyện, thị ủy phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy về tình hình, kết quả thực hiện các biện pháp chống dịch trên địa bàn. Nơi nào, đơn vị nào để xảy ra dịch bệnh trên diện rộng, đình trệ các hoạt động kinh tế-xã hội do nguyên nhân chủ quan thì tùy mức độ sẽ bị xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu…

Sự chỉ đạo đúng, trúng, cùng với tinh thần chống dịch luôn được "lên dây cót" trong cả hệ thống đã giúp công tác phòng, chống dịch của Hà Nội tiến triển tích cực. Trong buổi trả lời báo chí mới đây, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã chia sẻ 5 kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống dịch của thành phố từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay.

Theo đó, một trong những kết quả đáng ghi nhận là hệ thống chính trị ở cơ sở của thành phố đã vào cuộc rất hiệu quả, đặc biệt là sự tham gia của người dân trực tiếp, tự nguyện, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch trên rất nhiều nội dung. Từ việc hỗ trợ, nhường cơm sẻ áo, chia sẻ với người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn của mình đến quyên góp ủng hộ Quỹ vắc xin, Quỹ phòng, chống Covid-19; Tham gia trực tiếp vào công tác phòng, chống dịch, vảo vệ "vùng xanh"... Nhờ đó, các “vùng đỏ” dần được thu hẹp, "vùng xanh" được mở rộng. Cho đến nay, Hà Nội chỉ còn 66 điểm cách ly.

 (Còn nữa)

Tú Linh-Minh Quang - TTTĐ

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/chong-dich-tu-co-so-va-kinh-nghiem-cua-ha-noi-176965.html