Chủ động tháo gỡ dự án chậm tiến độ, tạo niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư

10/03/2022 15:15

Kinhte&Xahoi Trước kiến nghị liên quan tới 64 dự án chậm triển khai trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu huyện Mê Linh phải rà soát, xử lý nghiêm, đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nhấn mạnh yêu cầu trên tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Mê Linh sáng nay (10/3) về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu năm 2022 và những năm tiếp theo.

Quang cảnh buổi làm việc

Xử lý nghiêm các vi phạm quản lý đất đai

 Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, huyện Mê Linh có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển, nhất là vị trí địa lý thuận lợi về giao thông, đất đai trù phú. Tuy nhiên, huyện chưa khơi thông được nguồn lực để khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh phát triển xứng tầm.

Vì thế, thời gian tới, bên cạnh việc phải triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, thành phố, Bí thư Thành ủy yêu cầu huyện Mê Linh phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương; Tập trung đổi mới phương thức, phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, lề lối làm việc, củng cố các tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên.

Huyện Mê Linh cần tiếp tục thực hiện tốt tinh thần lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, thiết lập vững chắc trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy yêu cầu huyện Mê Linh làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Rà soát, có kế hoạch xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, không để phát sinh vi phạm mới.

“Quan điểm chỉ đạo của thành phố đối với các vi phạm cũ phải từng bước xử lý theo đúng pháp luật; Ngăn chặn các vi phạm mới phát sinh, nếu xảy ra thì không những phải xử lý dứt điểm, mà trước hết người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Đồng chí Đinh Tiến Dũng lưu ý, đối với các phần việc thuộc thẩm quyền, Ban Thường vụ Huyện ủy phải tập trung chỉ đạo, chủ động giải quyết. Trong đó, với các dự án chậm tiến độ, một mặt huyện phải rà soát, xử lý nghiêm, đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh; Qua đó tạo môi trường thông thoáng, tạo lòng tin cho doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.

Thu hút phát triển công nghiệp công nghệ cao

 Trước đó, báo cáo với Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, năm 2021, huyện đã hoàn thành 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng giá trị sản xuất năm 2021 đạt 30.376 tỷ đồng, tăng 7,6% so cùng kỳ; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 87,8%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện năm 2021 đạt 9.329 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Hai tháng đầu năm 2022, bám sát, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố, huyện Mê Linh đã chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời, đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn báo cáo tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, huyện Mê Linh kiến nghị với thành phố 3 nhóm vấn đề lớn, 10 kiến nghị cụ thể. Trong đó, về công tác quy hoạch, huyện kiến nghị điều chỉnh quy hoạch Khu công nghiệp Quang Minh II để thu hút các doanh nghiệp phát triển công nghiệp công nghệ cao; Bổ sung quy hoạch Khu công nghiệp Tiến Thắng (quy mô khoảng 400-500ha) để triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút phát triển công nghiệp công nghệ cao vào địa bàn huyện.

Đối với lĩnh vực đất đai, huyện Mê Linh kiến nghị thành phố có ý kiến với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể để thực hiện giải quyết đất dịch vụ cho Nhân dân với tổng nhu cầu đất dịch vụ còn lại trên địa bàn toàn huyện khoảng 23ha.

Đối với 64 dự án chậm triển khai, huyện kiến nghị thành phố sớm có kết luận cụ thể cho phép các dự án nào tiếp tục được triển khai và kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm pháp luật đất đai, không có khả năng thực hiện; Đồng thời, lựa chọn thu hút nhà đầu tư có năng lực, uy tín để thực hiện đầu tư dự án trên địa bàn.

Huyện Mê Linh cũng kiến nghị thành phố cho phép đầu tư 140 dự án trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, với tổng số vốn khoảng 3.561 tỷ đồng…

Đối với các kiến nghị trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhất trí sẽ chỉ đạo ban hành kết luận cuộc làm việc để làm căn cứ cho các cơ quan thực hiện, trước hết là giải quyết các kiến nghị của huyện; Giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo xem xét; Các Sở, ban, ngành phối hợp với huyện để giải quyết trong thời gian sớm nhất.

 Tú Linh; Ảnh: Viết Thành - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/chu-dong-thao-go-du-an-cham-tien-do-tao-niem-tin-cho-doanh-nghiep-dau-tu-191524.html