Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh: Kiên quyết không để lãng phí “thời gian vàng” giãn cách còn lại

01/08/2021 19:03

Kinhte&Xahoi Đánh giá tình hình sau 1 tuần Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy công tác phòng, chống Covid-19 TP khẳng định, Chỉ thị số 17/CT-UBND đã phát huy hiệu quả, giúp bóc tách được nhiều ca F0 tiềm ẩn trong cộng đồng. Tuy nhiên, những ngày giãn cách còn lại có ý nghĩa rất quan trọng, chỉ có kiên trì thực hiện thật nghiêm, thành phố mới có cơ hội khu biệt và tìm ra hết F0.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội trao đổi với lực lượng chức năng về công tác phòng, chống dịch bệnh

Trăn trở vì F0 vẫn còn tiềm ẩn

 Theo đồng chí Chu Ngọc Anh, sau 8 ngày thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn theo Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND thành phố, hệ thống chính trị các cấp từ thành phố xuống cơ sở đã cơ bản triển khai thực hiện tốt. Hầu hết người dân đã đồng tình, ủng hộ và chấp hành nghiêm nguyên tắc cách ly. Tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có chuyển biến tích cực.

Các lực lượng tuyến đầu với nòng cốt là công an, quân đội, y tế, cán bộ các cấp, các tổ Covid-19 cộng đồng... không quản vất vả ngày đêm, luôn vững vàng, bền bỉ trên “phòng tuyến” chống dịch, là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân.

Đặc biệt, nhờ thực hiện cách ly, kết hợp với khai báo y tế hằng ngày (qua trang web: www.tokhaiyte.vn, ứng dụng Ncovi, Bluezone) người dân Hà Nội đã giúp cơ quan y tế tăng cường xét nghiệm sàng lọc, truy vết, bóc tách thành công hàng chục ca F0 trong cộng đồng. Trong đó, cao điểm như ngày 30/7, thành phố đã phát hiện 119 ca mắc mới, bao gồm 69 ca trong cộng đồng.

“Điều này cho thấy, biện pháp giãn cách xã hội là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, hiệu quả. Nếu không áp dụng biện pháp này, với hệ quả lây lan từ các ca mắc trong cộng đồng nêu trên, thành phố không giữ được như hiện nay”, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy công tác phòng, chống Covid-19 thành phố nhìn nhận.

Đối với tình hình tiêm vắc xin, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đánh giá cao nỗ lực của ngành Y tế, chính quyền các địa phương khi đã vận hành hiệu quả các dây chuyền tiêm và tổ chức tiêm kịp thời, an toàn. Đến nay, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành tiêm gần 100% số lượng vắc xin đã nhận. Việc thực hiện biện pháp này phụ thuộc vào lượng vắc xin do Bộ Y tế phân bổ trong thời gian tới, tới nay Hà Nội mới nhận được một phần số lượng vắc xin được phân bổ, vắc xin về đến đâu sẽ triển khai tiêm ngay đến đó. Vì thế, biện pháp quan trọng nhất lúc này để đẩy lùi dịch phải là thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-UBND.

Theo đồng chí Chu Ngọc Anh, bên cạnh kết quả tích cực chung, vẫn còn có địa phương, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện giãn cách xã hội. Một số chính quyền cơ sở còn lúng túng, chưa chủ động, chưa quyết liệt. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách; thậm chí còn có hiện tượng cơ quan, đơn vị hiểu sai là đi làm 50%, nghỉ 50%.

Phải luôn đi trước một bước

 Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, nhận thấy những hạn chế tồn tại trong thực hiện giãn cách xã hội, sau khi nghe báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố, ngày 30/7/2021, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy đã ký ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU về “Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19”.

Với 6 nội dung chỉ đạo trọng tâm, Chỉ thị có ý nghĩa rất quan trọng đối với tình hình, kết quả thực hiện giãn cách xã hội trong những ngày tới. Đồng chí Chu Ngọc Anh đề nghị UBND 30 quận, huyện, thị xã và 579 phường, xã, thị trấn, trước hết là đồng chí Chủ tịch, cán bộ phụ trách thôn, xóm, tổ dân phố nghiên cứu, nắm chắc từng nội dung Chỉ thị số 05-CT/TU; Nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng về giãn cách xã hội để tập trung phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, các phường, xã, thị trấn phải đảm đương thật tốt vai trò “tư lệnh”, quán xuyến toàn diện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Song song với triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp, UBND các cấp phải tập trung cao độ vào một số giải pháp chủ yếu, mang tính quyết định.

Trước hết, các đơn vị phải quan tâm chăm lo đời sống Nhân dân, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về hàng hóa thiết yếu; bảo đảm chăm sóc y tế để người dân yên tâm “ai ở đâu ở đấy” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31/7/2021; Tiếp tục khẩn trương thực hiện thật tốt chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-TTg ngày 1/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, quận, huyện... cần quan tâm chăm lo kịp thời những hoàn cảnh khó khăn với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Lực lượng công an kiểm tra giấy tờ cá nhân của người tham gia giao thông trên phố Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội

Từng địa phương phải duy trì và tăng cường hơn nữa các biện pháp kiểm tra, kiểm soát trên toàn địa bàn với nòng cốt là lực lượng công an, quân đội; Phải duy trì vững chắc các chốt kiểm soát, rào chắn đến tận thôn, xóm, tổ dân phố kết hợp mạnh mẽ với tuần tra, kiểm tra, giám sát lưu động trên các tuyến đường, các khu vực công cộng...

Về hiện tượng hiểu sai nội dung Chỉ thị số 17/CT-UBND, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải kiểm tra tận nơi 100% cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, bảo đảm thực hiện đúng Chỉ thị số 17/CT-UBND. Trong đó, các cơ quan, công sở, doanh nghiệp, tập đoàn bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như: Trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.

Các cấp, các ngành phải quan tâm, chăm lo bảo đảm cả về vật chất và tinh thần cho lực lượng tuyến đầu yên tâm công tác; Đồng thời phải xác định phòng, chống Covid-19 còn lâu dài để có kế hoạch huy động đủ lực lượng cho hệ thống phòng, chống dịch, nhất là lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng, đội tự quản, các đoàn viên, hội viên, nhất là đoàn viên thanh niên tình nguyện, cựu chiến binh...

Đồng chí Chu Ngọc Anh cho biết, thực hiện đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Hà Nội đã chỉ đạo gấp rút xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng và nguy kịch, quy mô 500 giường tại quận Hoàng Mai. Cũng với tinh thần đó, thành phố đã yêu cầu các huyện, thị xã cùng với Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Xây dựng, Sở Y tế đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các khu cách ly tập trung từ 3.000-5.000 chỗ như phân giao của thành phố. “Bài học kinh nghiệm của chúng ta là phải luôn đi trước một bước. Để bảo vệ an toàn tính mạng của người dân thì công tác chuẩn bị càng phải chủ động với những kịch bản ở mức độ cao hơn”, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nói.

Nhấn mạnh yêu cầu cả hệ thống chính trị thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Chỉ thị số 17/CT-UBND, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đồng thời mong muốn, mỗi người dân Thủ đô hãy trở thành một chiến sĩ, mỗi gia đình, mỗi thôn, xóm, tổ dân phố trở thành một pháo đài chống dịch. Đồng chí tin tưởng, làm được như vậy chắc chắn Hà Nội sẽ đẩy lùi và chiến thắng Covid-19.

Lam Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/kien-quyet-khong-de-lang-phi-thoi-gian-vang-gian-cach-con-lai-172199.html