Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi lễ
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, từ khi đợt thứ 4 dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Việt Nam (ngày 29/4/2021 đến nay), Hà Nội đã ghi nhận 280 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 151 ca phát hiện ngoài cộng đồng tại 20 quận, huyện. Cộng dồn giai đoạn 2020-2021, TP ghi nhận 768 mắc.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, TP Hà Nội đã đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả trong từng giai đoạn; Quyết liệt chỉ đạo thực hiện với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt có sự đồng thuận, thực hiện nghiêm túc của người dân Thủ đô. Với lời hiệu triệu “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” người dân, chính quyền TP Hà Nội đã đồng tâm, đồng sức, thực hiện có hiệu quả, cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19.
Tuy nhiên, để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội thì việc tiêm chủng vắc xin để phòng ngừa chủ động, tạo miễn dịch cộng đồng càng ngày càng trở nên cấp bách và là biện pháp căn cơ, hiệu quả, bền vững. Qua 4 đợt tiêm chủng vắc xin vừa qua, Hà Nội được phân bổ 16.853 lọ vắc xin AstraZeneca, đã tiêm 195.583 liều.
Lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19
TP Hà Nội đã xây dựng “Phương án triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn thành phố” trên quy mô lớn để phòng ngừa chủ động theo phương châm “tiêm chủng sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất”. Trong đó, mục tiêu an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu.
"Hà Nội có dân số 8,3 triệu người cùng với trên 600.000 người dân từ các tỉnh vào học tập, lao động, sinh sống. Như vậy, trong chiến dịch này, số lượng người trong độ tuổi cần tiêm chủng (tạm tính lứa tuổi từ 18 đến 65 tuổi) của Hà Nội là trên 5,1 triệu người (căn cứ theo Nghị quyết số 21/CĐ-CP của Chính phủ), đồng thời mở rộng sang các đối tượng khác. TP chia các đối tượng tiêm thành 10 nhóm theo thứ tự ưu tiên để đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vắc xin", Chủ tịch UBND TP cho biết.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, chiến dịch tiêm chủng được triển khai trên toàn thành phố, nếu nguồn cung vắc xin đảm bảo sẽ phấn đấu đạt tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày, để đạt được số mũi tiêm tối đa cần có 1.000 dây chuyền tiêm (mỗi dây chuyền tiêm 200 mũi/ngày). Tuy nhiên, TP cần có số dây truyền dự phòng để huy động tăng cường nên phải chuẩn bị 1.200 dây chuyền tiêm. Hiện đã có 704 dây truyền, thành phố đang khẩn trương tập huấn chuyên môn để bổ sung 496 dây truyền tiêm mới.
Để đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng, huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp xảy ra các phản ứng sau tiêm chủng, thành phố đã rà soát toàn bộ trang thiết bị bảo quản vắc xin, với số trang thiết bị hiện có có thể tiếp nhận tối đa cùng lúc 1,3 triệu liều.
Việc phân bổ vắc xin cho các địa phương để triển khai tiêm theo nguyên tắc: Cấp vắc xin cho các địa phương có nguy cơ cao nhiều hơn trên cơ sở phù hợp với các tiêu chí phân loại nguy cơ.
Nhấn mạnh, đây là chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn chưa có tiền lệ, vì vậy Chủ tịch UBND TP khẳng định công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện cần thống nhất, xuyên suốt, chặt chẽ. Để chỉ đạo chiến dịch, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các cấp ủy Đảng từ thành phố đến cơ sở trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiêm chủng.
TP huy động sự tham gia của các lực lượng công an, quân đội, Đoàn Thanh niên trong công tác hướng dẫn, đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm tiêm; Sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với tổ dân phố, cụm dân cư, trưởng thôn, xóm, công an cơ sở rà soát đối tượng tuyên truyền, hướng dẫn, mời người dân đi tiêm chủng.
Các quận, huyện xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai chiến dịch tiêm chủng, trong kế hoạch cần xác định rõ các điểm tiêm, số dây truyền tiêm; Huy động lực lượng tham gia tại các điểm tiêm, công tác hậu cần 4 tại chỗ.
Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ chuyên môn từ Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, thành phố Hà Nội quyết tâm sớm thực hiện thành công, an toàn chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 nhằm đạt mục tiêu, tạo miễn dịch cộng đồng để các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.
Lam Dương - Theo TTTĐ