Đề cập dịch tả lợn châu Phi, đại biểu Sần Sín Sỉnh (Lào Cai) chất vấn, thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở hầu hết các địa phương ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi và người chăn nuôi. Chính phủ, các địa phương đã có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Thời gian tới, Bộ trưởng có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tái đàn?
Đại biểu Sần Sín Sỉnh (Lào Cai).
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, dịch tả lợn châu Phi là một loại dịch lịch sử trong ngành chăn nuôi Việt Nam và chăn nuôi thế giới. Loại virus này khi xâm nhập vào đàn lợn gây tỷ lệ chết tới 100%, trong khi 100 năm nay thế giới không sản xuất được vaccine.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, tác động biến đổi khí hậu khiến dịch tả lợn châu Phi phát triển rất nhanh. Tháng 3/2018, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Trung Quốc. Đến thời điểm này, đã có 28 quốc gia xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Tại Việt Nam, ngay từ tháng 3/2018, khi Trung Quốc xảy ra dịch tả, ngày 30/8/2018, Bộ NN-PTNT đã chủ trì hội nghị toàn quốc để cảnh báo trước về đại dịch này. Ngày 20/9/2018, Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã họp ban hành Chỉ thị phòng chống loại dịch này.
Tuy nhiên, với đặc điểm, tính chất đặc biệt, nguy hiểm của loại virus này, ngày 1/2/2019, ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên đã xảy ra ở Hưng Yên và trong một thời gian rất ngắn, dịch đã lan ra toàn quốc. Theo báo cáo, tổng số thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra là 5,7 triệu con, bằng 8,5% tổng sản lượng với 3,85 triệu tấn thịt lợn.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời tại phiên chất vấn.
“Đây là thiệt hại rất lớn, đặc biệt thiệt hại này nếu rơi vào các nhóm hộ nhỏ lẻ là một thiệt hại vô cùng tai hại mà từ trước đến nay không bao giờ gặp loại dịch lớn thiệt hại như thế này”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, ngay sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở nước ta, Bộ đã phối hợp với các địa phương tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó và phòng trừ. “Từ Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, những ổ dịch đầu tiên và kể cả sau đó là khi đến địa bàn thành phố Hà Nội. Ngay cả Bí thư Thành phố, Chủ tịch Thành phố, tất cả các lãnh đạo đều ra quân để ứng phó với dịch này. Ban Bí thư từ Trung ương đến Quốc hội, Chính phủ, ngay cả Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đi kiểm tra.”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Được biết, đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi ở nước ta đã giảm đến mức độ thấp nhất về chu kỳ phát triển. Đến nay, cả nước có 60% số xã có dịch tả lợn Châu phi qua 30 ngày. Trong đó tỉnh Hưng Yên, tỉnh đầu tiên xuất hiện ổ dịch, đến nay 100 % số xã không còn dịch.
Đề cập giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tái đàn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng ngay cơ chế chính sách, hỗ trợ các hộ chăn nuôi theo giá thành sản xuất (với mức hỗ trợ 70% giá thành). Đồng thời, có chính sách hỗ trợ 500.000 đồng/con giống để chuẩn bị tái đàn, tăng đàn.
Bên cạnh đó, Bộ Tài Chính đã phối hợp với các ngành, địa phương hỗ trợ 22.370 tỷ đồng cho 18 tỉnh bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra. Đến thời điểm này, tất cả các doanh nghiệp lớn và những hộ chăn nuôi đã tuân thủ tuyệt đối theo quy trình an toàn sinh học.
“Cách đây 3 tuần, chúng tôi về thăm Khoái Châu (Hưng Yên), riêng Khoái Châu khoảng 30 hộ chăn nuôi, với khoảng 3.000-4.000 con /hộ nhưng không bị dịch. Bởi họ đã ta tuân thủ tuyệt đối an toàn sinh học, từ khâu thức ăn, giống, người ra vào chăm sóc. Dịch bệnh nguy hiểm như thế nhưng chúng ta đồng lòng xử lý triệt để thì vẫn ngăn chặn được”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh./.