Nhận được thông tin nói trên, PV đã xuống ghi nhận thực tế. Có mặt ở đây chúng tôi mới cảm thấy nỗi khổ của người dân hằng ngày, hằng giờ phải hứng chịu và sống chung với bầu không khí ô nhiễm từ khói đen, bụi, mùi khét, tiếng ồn… của các trạm trộn bê tông, các xưởng tái chế sắt “tra tấn” người dân nơi đây suốt 10 năm qua như thế nào.
Cơ sở tái chế gây ô nhiễm môi trường đang “bức tử” đời sống của người dân.
Tiếp xúc với phóng viên, người dân thi nhau “kể tội” các trạm trộn bê tông, các xưởng tái chế sắt gây ô nhiễm.
Ghi nhận cho thấy, việc thâm nhập thực tế hai cơ sở tái chế phế liệu là rất khó khăn vì ban ngày hay ban đêm cửa chính lúc nào cũng đóng kín mít. Ngoài ra, để qua mặt cơ quan chức năng, ban ngày hai cơ sở trên cho công nhân nghỉ ngơi, mọi hoạt động đốt lò tái chế thép, phế liệu đều tạm dừng, thỉnh thoảng những chiếc xe chuyên chở phế liệu ra vào hai xưởng trên, rồi ngay sau đó cửa cổng được đóng lại, tránh sự theo dõi của người dân. Nhằm đối phó và tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, mọi hoạt động đốt và tái chế phế liệu của hai cơ sở trên chỉ diễn ra từ 22 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau.
Phải mất nhiều đêm “mật phục” chúng tôi mới ghi nhận được và đúng như người dân phản ánh, cứ khoảng 22 giờ đêm là thời điểm hai xưởng này bắt đầu hoạt động hết công suất, máy móc chạy ầm ầm, khói, bụi ùn ùn thoát ra từ 4, 5 ống khói lan tỏa ra cả một vùng rộng lớn.
Do các nguyên liệu là các loại phế liệu “tạp nham” nên khi nấu thép phát sinh mùi thối, khét lẹt, rất khó thở, đặc biệt mùi khí thải cay xè thổi thẳng ra khiến chúng tôi cảm thấy khó chịu. Theo ghi nhận, hàng chục công nhân làm việc nơi đây không được trang bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết để đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc, ngoài những khẩu trang tránh bụi và đôi găng tay sơ sài.
Người dân nơi đây cho biết, từ khi hai cơ sở tái chế phế liệu Nguyễn Văn Tần và Đào Huy Thịnh đi vào hoạt động năm 2008, đến nay người dân Ninh Kiều xuất hiện rất nhiều căn bệnh lạ, nhiều người già và trẻ em bị mắc các bệnh về đường hô hấp như ho mãn tính, viêm phổi, hoa mắt, chóng măt, khó thở, tức ngực. Đáng lo ngại hơn, năm nào cũng có người mắc bệnh hiểm nghèo về ung thư.
Trạm trộn bê tông nằm ngay sát khu dân cư.
Người dân đang “mỏi mắt” chờ thực thi pháp luật
Thời gian qua, sau khi người dân và các cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm môi trường nói trên, ngày 3/8/2017 Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký và ban hành Công văn số 3778/UBND - TKBT gửi Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ kiểm tra, làm rõ thông tin phản ánh cơ sở tái chế sắt “tra tấn” người dân bằng khí thải ô nhiễm.
Theo công văn của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, để làm rõ thông tin về tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ kiểm tra, làm rõ thông tin mà người dân và báo chí đã phản ánh; xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật. Báo cáo Thành ủy, UBND TP. Hà Nội trước ngày 20/8/2017, đồng thời thông tin trả lời cơ quan báo chí theo quy định.
Tuy nhiên, đến nay sau gần 2 năm, tình trạng nói trên vẫn đang ngang nhiên diễn ra, bất chấp bất kỳ tiếng kêu cứu nào của môi trường và người dân. Đến thời điểm này, người dân tại thị trấn Chúc Sơn và cư dân khu Thành An; khu Ninh Kiều và khu đô thị mới Lộc Ninh đang nghi ngờ về vai trò quản lý của các cơ quan có thẩm quyền. Họ đặt câu hỏi rằng: “Đến bao giờ mới di dời và xử lý các cơ sở tái chế gây ô nhiễm môi trường, “tra tấn” đời sống của nhân dân”?