Đã có những chia sẻ cũng như ghi nhận kịp thời của lãnh đạo Nhà nước, của lực lượng Công an nhân dân, của các ngành, các cấp về những tấm gương hi sinh anh dũng ấy, mong cho phần nào dịu đi những mất mát đau thương ấy... Máu các anh đã đổ vì bình yên cuộc sống hôm nay!
Bữa cơm cuối cùng của người cha
Bữa cơm tối 8-1 là bữa cơm cuối cùng của Đại tá Nguyễn Huy Thịnh trong căn nhà ấm áp ở gần đơn vị anh đóng quân. Vợ anh, chị Tạ Thị Lộc (42 tuổi) đưa con gái 13 tuổi đi học. Cậu con trai lớn Nguyễn Gia Huy đang học năm thứ 2 Đại học Giao thông vận tải chuẩn bị đi tắm. Anh ngồi ăn bữa cơm vội để lên đường công tác. Cả vợ và 2 đứa con của anh đâu ngờ, đó là bữa cơm cuối cùng của người chồng, người cha thân yêu.
Huy kể lại thời khắc cuối cùng được gặp cha trong nước mắt: “Mẹ cháu đưa em gái đi học, cháu định đi tắm còn bố ngồi ăn cơm một mình. Bố bảo cháu đừng đi tắm vội, ngồi đây đơm cơm cho bố để bố đi công tác không muộn. Hỏi bố bao giờ về, bố bảo: “Yên tâm đi, mai kia bố về, bố còn đi lớp bồi dưỡng cán bộ”. Tự nhiên cháu có linh cảm xấu.
Thế rồi, đến hôm sau, khi thấy trên mạng có nhắc tên bố cháu trong vụ việc ở Đồng Tâm. Cháu run rẩy chạy vào đơn vị bố. Chẳng ai nói với cháu là bố hi sinh nhưng nhìn ánh mắt họ, cháu hiểu đã mất bố rồi...”.
Mẹ Đại tá Nguyễn Huy Thịnh (74 tuổi) đã cạn dòng nước mắt khóc con. Bà có 4 người con thì anh Thịnh là con trai cả. Thôn Vàng 3, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội là nơi anh sinh ra nhưng để tiện công tác, anh đưa vợ và 2 con lên ở Sóc Sơn, gần đơn vị.
Tranh thủ ngày bớt việc, anh đều về thăm mẹ và thắp hương cho người cha đã mất. Thế nhưng, đã lâu lắm rồi, anh chẳng có được một cái tết trọn vẹn với gia đình. Bà xót xa: “Cả nhà đang chuẩn bị đón tết thì nó đi mất thế này đây. Biết bao giờ gặp được con...”.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ thăm hỏi, động viên gia đình Đại tá Nguyễn Huy Thịnh.
Thượng tá Vũ Văn Khánh, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, cùng các đồng đội thường xuyên túc trực tại ngôi nhà nhỏ ở thôn Vàng 3, phối hợp với gia đình và chính quyền tiếp khách đến thăm hỏi, chia buồn và lo hậu sự cho người đã khuất. Anh kể về bản lĩnh và trách nhiệm của người đồng đội bằng sự trân trọng.
Khi trên mạng xã hội đăng tải bức ảnh thể hiện Đại tá Nguyễn Huy Thịnh tự chụp khi còn đeo hàm trung tá, một số người cho rằng đó không phải là anh, tôi đã hỏi Thượng tá Vũ Văn Khánh, anh nói về người đồng đội đầy thân thiết mà sao xót xa: “Đúng nó đấy nhưng khi cười nó có nếp nhăn trên trán trông già quá...” - giọng anh lạc đi.
Những nỗi đau không thành lời
Ngày 11-1, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã dẫn đầu đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên thân nhân 3 liệt sĩ công an hi sinh tại Đồng Tâm. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn thân nhân gia đình các chiến sĩ đã hi sinh cố gắng vượt qua đau thương, mất mát, ổn định cuộc sống; đồng thời đề nghị chính quyền địa phương thường xuyên thăm hỏi, quan tâm tạo điều kiện để gia đình các cán bộ, chiến sĩ công an đảm bảo cuộc sống; khẳng định, Đảng, Nhà nước, Bộ Công an luôn quan tâm, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ công an hi sinh, có nhiều hình thức động viên, chia sẻ để thân nhân các gia đình và toàn lực lượng Công an nhân dân sớm vượt qua mất mát lớn lao này...
Bế bé gái mới 6 tháng tuổi - con Đại úy Phạm Công Huy trên tay, Bộ trưởng Tô Lâm chấm nước mắt khi bé nhoẻn miệng cười với ông. Nhìn cảnh đó, các thành viên trong đoàn từ Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội, Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ, ai cũng không cầm được nước mắt...
Nắm chặt tay ông Phạm Công Lâm - bố Đại úy Phạm Công Huy, Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ nỗi đau, mong muốn gia đình cố gắng vượt qua đau thương, mất mát, ổn định cuộc sống.
Trung tá Nguyễn Như Ý, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Khu vực 3 - lãnh đạo đơn vị của Đại úy Phạm Công Huy cho biết, ở đơn vị, Huy là người ít nói, tính tình hiền lành, sống chan hòa nên ai cũng yêu quý. Trong các nhiệm vụ công tác hay các hoạt động phong trào đoàn thể, Huy luôn tham gia nhiệt tình...
Từ hôm chồng hi sinh, chị Như Quỳnh - vợ của Đại úy Phạm Công Huy suy sụp, khóc nghẹn mỗi khi có người hỏi chuyện. Con gái nhỏ của hai vợ chồng phải nhờ người thân bế và cho uống sữa hộ. Chị bảo, tối 8-1, anh Huy bảo phải đi công tác vài ngày, anh mới nhận lương, sẽ chuyển ngay cho vợ để chi tiêu, mua sữa cho con. Lúc đó, chị chỉ biết dặn dò anh giữ gìn sức khỏe, sớm về với hai mẹ con. Khi nghe anh hi sinh, chị không tin đó là sự thật...
Nhà Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân, cán bộ Trung đoàn CSCĐ Thủ đô nằm sâu trong ngõ nhỏ của phố Hoàng Hoa Thám. Quân vốn mồ côi bố từ bé. Dù thiệt thòi nhưng luôn cố gắng học tập, vâng lời mẹ, lời chị, học hành giỏi giang, trở thành chiến sĩ công an trong niềm tự hào của gia đình, đồng đội.
Kể về cậu con trai của mình, bà Bích không giấu được sự tự hào: “Cháu thi đỗ trường công an, rồi ra trường, nhận công tác tại Trung đoàn CSCĐ Thủ đô, gia đình, họ hàng hai bên đều vui mừng. Từ khi con đi làm, tôi đã tạm yên tâm vì đã nuôi được con trai học hành đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp ổn định, thực hiện được ước mơ trở thành người chiến sĩ Công an nhân dân. Nhà neo người nên tôi cũng muốn cháu lập gia đình, sớm có cháu nội. Vậy mà...”. Đớn đau là thế, xót xa là thế nhưng bà vẫn luôn cảm ơn lực lượng công an đã rèn con trai bà thành người có ích, có ý chí, không quản ngại khó khăn.
Từ khi Đại tá Nguyễn Huy Thịnh hi sinh, đồng đội của anh luôn bên cạnh động viên mẹ.
Vì cuộc sống bình yên
Mỗi dòng thông báo đặc biệt trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an về sự hi sinh và lễ tang của 3 liệt sĩ Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy, Dương Đức Hoàng Quân như một vết dao cứa vào tim những cán bộ chiến sĩ của lực lượng công an và biết bao người dân. Một khuôn mặt rắn rỏi, pha sương gió, từng tham gia đảm bảo an ninh trật tự ở nhiều điểm nóng trong cả nước; một khuôn mặt điển trai, nghiêm nghị; một nét mặt thư sinh, trẻ trung với ánh mắt chứa đầy hoài bão...
Cuộc sống, cuộc chiến đấu với mặt trái của xã hội, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân của 3 người con ưu tú ấy đã ngừng lại. Đây là mất mát không thể đong đếm nhưng đồng đội sẽ tiếp bước các anh để giữ gìn an ninh trật tự, giữ gìn kỷ cương phép nước.
Trong nhiều năm qua, dù không còn chiến tranh nhưng năm nào cũng đều có những chiến sĩ công an phải đổ máu giữa thời bình. Nhiều người vợ, người mẹ, người con đã phải gạt nước mắt sống thay người ra đi vì nghĩa lớn. Hằng ngày, vẫn luôn có sự hi sinh thầm lặng ở hậu phương để người cán bộ chiến sĩ công an yên tâm công tác.
Tôi đã nghe tâm sự của một người vợ chiến sĩ cảnh sát hình sự, chị kể thế này: “Ngày tôi sinh cậu con trai thứ hai, khi đó chồng tôi đang thực hiện một chuyên án quan trọng. Anh chỉ kịp chạy vào bệnh viện ôm con giây lát rồi lại đi. Hôm sau, anh gọi điện nói với tôi rằng: “Chưa bắt được đối tượng này, bố chưa thể về với con”.
Rồi anh đi biền biệt nhiều ngày liền. Tôi nằm nhà ôm con mà lòng như lửa đốt. Nhớ anh, lo cho anh mà chỉ biết ghi vào trang nhật ký để sau này con trai đọc được sẽ thêm hiểu về công việc của anh. Mấy ngày sau, anh trở về với nét mặt rạng rỡ, tôi hiểu anh đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhìn anh ôm con, mọi lo lắng của tôi chợt tan biến.
Ở với anh khi con đã lớn nhưng tôi vẫn bị giật mình bởi những cuộc gọi điện vào ban đêm. Anh có thể ra khỏi nhà lúc đêm khuya hay rạng sáng rồi bất thình lình trở về nhà. Mỗi giây phút trôi qua khi anh đi công tác bất ngờ, không chỉ riêng tôi mà cả nhà, bố mẹ chồng tôi cũng nặng trĩu nỗi lo. Một tiếng cạch cửa của anh như trút bao gánh nặng”.
Nghe câu chuyện của chị, tôi bất giác nhớ đến lời kể của bà Hà Thị Ẩn, vợ liệt sĩ, Đại tá Hà Thái Yềm, Phó Trưởng Công an huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình trong cuộc gặp năm 2017. Bà có chồng và hai con trai đều làm công an. Nhiều đêm, bà chờ tiếng cạch cửa tới 3 lần. Đếm đủ 3 lần mở cửa bà mới ngủ ngon.
Thế rồi, trong một đêm, vẫn là tiếng mở cửa nhưng không phải ông trở về mà là đồng đội của ông đến báo tin. Bà tất tưởi chạy vào bệnh viện trong đêm để gặp chồng lần cuối... Lần đó, cũng là 3 cán bộ chiến sĩ Công an huyện Mai Châu hi sinh trong khi truy bắt đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy ở xã Hang Kia, huyện Mai Châu. Cách đây vừa tròn 10 năm.
Còn nhiều lắm những liệt sĩ công an mãi mãi ghi tên trong lòng nhân dân như Lưu Minh Thức, Phạm Phi Long, Sùng A Trư, Đỗ Mạnh Linh... Để giữ gìn được cuộc sống bình yên như hôm nay, phía sau những chiến sĩ công an là sự hi sinh lớn lao của những người thân.
Ngày hôm nay, 3 người lính ngã xuống trong khi giữ gìn trật tự trị an ở xã Đồng Tâm. Những kẻ giết người ấy phải bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Đại biểu Quốc hội Dương Xuân Hòa, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho biết, các cử tri đều bày tỏ sự bất bình, căm phẫn các đối tượng chống đối, coi thường pháp luật và đề nghị xử lý nghiêm các đối tượng này để răn đe, giữ gìn kỷ cương, phép nước.
Trong tất cả các trường hợp, khi CBCS công an đang làm nhiệm vụ là đại diện cho pháp luật, cho Nhà nước, chính vì vậy, chống đối cán bộ công an là chống đối Nhà nước, vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Các đối tượng cố tình chống đối, lấy danh nghĩa người dân để che giấu hành vi phạm tội, kích động người khác bất chấp thiện chí và những biện pháp giải quyết của chính quyền thì càng phải xử lý nghiêm.
Những người thân của các liệt sĩ đã chuyển hóa nỗi đau thành niềm tự hào, trách nhiệm với người đã khuất. Con trai Đại tá Nguyễn Huy Thịnh nói: “Mấy ngày qua cháu lấy niềm tự hào về bố để vững vàng hơn, làm chỗ dựa cho mẹ và em gái...”. Dù mất mát, đau thương nhưng ông Phạm Công Lâm, bố Đại úy Phạm Công Huy luôn cảm ơn Đảng và nhà nước đã rèn luyện cho con trai ông trưởng thành, dám đối mặt với hiểm nguy vì nhân dân.
Ông Thắng, đại diện cho gia đình Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân chia sẻ: “Bố Quân trước là bộ đội phòng hóa và mất lúc cháu còn bé. Gia đình cũng hoàn cảnh nhưng luôn tự hào về đứa cháu đích tôn, cháu đã dám hi sinh vì nước, vì dân”...
Cuộc chiến đấu, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân ở mỗi thời điểm lại có thêm nhiều khó khăn với nhiều loại tội phạm mới. Nhưng, khi đã lựa chọn màu áo ấy là các anh đã sẵn sàng đối mặt với thử thách, hiểm nguy. Đó cũng là sự tiếp nối truyền thống đầy tự hào của lớp lớp thế hệ cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân.
Ngày 9-1, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn tại địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, một số đối tượng chống đối đã sử dụng lựu đạn, bom xăng, tuýp sắt gắn dao nhọn... tấn công lực lượng thi hành nhiệm vụ.
Quá trình truy bắt, khống chế, bắt giữ nhóm đối tượng chống đối đặc biệt nguy hiểm nêu trên, 3 cán bộ, chiến sĩ công an đã anh dũng hi sinh, gồm: Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, sinh năm 1972, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động;
Đại úy Phạm Công Huy, sinh năm 1993, cán bộ Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ số 3, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an TP Hà Nội; Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân, sinh năm 1992, Tiểu đội trưởng, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.
Trước những hành động dũng cảm, không quản ngại hi sinh, bảo vệ kỷ cương phép nước, vì bình yên cuộc sống của nhân dân, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký Quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất; Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công; Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định thăng cấp bậc hàm vượt cấp cho 3 đồng chí. Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tổ chức trọng thể tang lễ 3 liệt sĩ theo nghi thức của lực lượng Công an nhân dân vào ngày 16-1. |