Cổ phiếu nào hưởng lợi khi ngành du lịch mở cửa trở lại từ ngày 15/3?

15/03/2022 11:32

Kinhte&Xahoi Ngành du lịch mở cửa sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và cải thiện lợi nhuận đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, lưu trú và vận tải.

Ngành du lịch mở cửa trở lại

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, từ giữa tháng 10/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ban hành chương trình phát động du lịch nội địa với “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”, qua đó bắt đầu thúc đẩy sự hồi phục của ngành du lịch. Nếu như trong tháng 10/2021, số lượng khách nội địa chỉ đạt 750 lượt thì con số này trong 2 tháng cuối năm 2021 lần lượt là 2.500 lượt và 5.250 lượt.

Khác với khách nội địa, ngành du lịch Việt Nam tiếp cận thận trọng với khách quốc tế với nhiều giai đoạn. Từ tháng 11/2021, Việt Nam bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế trở lại một số vùng du lịch trọng điểm.

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, nếu như số lượt khách quốc tế trong tháng 11/2021 là 400 lượt thì quy mô trong tháng 12/2021 đã tăng lên 3,5 nghìn lượt.

Sau khoảng thời gian thí điểm, dự kiến ngày 15/3 sẽ đánh dấu sự quay lại mạnh mẽ hơn của ngành du lịch khi Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế, theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ngành du lịch mở cửa đón khách quốc tế từ ngày 15/3 (Ảnh minh họa)

Mặc dù vẫn còn các quy định để đảm bảo an toàn phòng dịch, tuy nhiên với định hưởng mở cửa trở lại, đặc biệt với khách quốc tế của Việt Nam, đồng thời với việc mở cửa dần dần của các quốc gia khác trên thế giới, triển vọng hồi phục của ngành kể từ năm 2022 đang trở nên rõ ràng hơn. Số lượt khách khó có thể quay lại ngay mức trước dịch tuy nhiên có thể xác định thời điểm khó khăn nhất của ngành du lịch đã rơi vào 2021.

Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, năm 2022 ngành du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu khách nội địa. Tổng thu từ ngành du lịch ước đạt 400 nghìn tỷ đồng.

Cổ phiếu ngành du lịch chuẩn bị đón sóng

 Theo SSI, ngành du lịch mở cửa sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và cải thiện lợi nhuận đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, lưu trú (khách sạn, resort...) và vận tải du lịch.

Mặc dù vậy, SSI cũng lưu ý cũng cần thời gian để việc mở cửa trở lại ngành du lịch phản ánh vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên với đặc tính phản ánh kỳ vọng của thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu thường sẽ có xu hướng phản ứng trước so với diễn biến của lợi nhuận.

Nhóm cổ phiếu doanh nghiệp ngành du lịch sẽ hưởng lợi (Ảnh minh họa)

Đối với nhóm du lịch, lữ hành, đây là lĩnh vực hưởng lợi trực tiếp nhờ số lượt khách hồi phục mạnh sau 2 năm chịu tác động từ đại dịch.

Các cổ phiếu đáng chú ý gồm có: VTD (Công ty Cổ phần Du lịch Vietourist), VNG (Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công); CTC (Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng kim Tây Nguyên); TCT (Công ty Cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh).

Tuy nhiên, SSI cho rằng việc phát hành tăng vốn tại VTD sẽ làm suy giảm lợi nhuận đem về cho cổ đông trong bối cảnh nhu cầu phục hồi chậm. Bên cạnh đó, TCT cũng gặp phải khó khăn trong cạnh tranh gay gắt với cáp treo Sunworld.

Đối với nhóm lưu trú du lịch, đây là nhóm được hưởng lợi nhờ công suất thuê phòng hồi phục theo sự gia tăng của khách du lịch. Các cổ phiếu cần theo dõi bao gồm: DAH (Công ty Cổ phần Tập đoàn Khách sạn Đông Á), OCH (Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ OCH), NVT (Công ty Cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay).

Đối với nhóm vận tải du lịch, đây là lĩnh vực mang tính chất hưởng lợi gián tiếp nhờ việc vận tải hành khách, vận tải hàng hóa trên các tuyến đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường biển. Với đặc tính vận tải, các cổ phiếu trong nhóm này chịu ảnh hưởng bởi việc giá xăng dầu đang duy trì ở mức cao.

Các cổ phiếu hưởng lợi gồm có: HVN (Vietnam Airlines), VJC (Vietjet), SKG (Superdong Kiên Giang), SRT (Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn), HRT (Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội). Ngoài ra, SSI đánh giá đại diện đầu ngành của nhóm dịch vụ hàng không là ACV cũng sẽ hưởng lợi mạnh mẽ nhờ câu chuyện hồi phục sau dịch.

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/co-phieu-nao-huong-loi-khi-nganh-du-lich-mo-cua-tro-lai-tu-ngay-153-191829.html