Theo chương trình kỳ họp, sau khi kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất, chiều 10/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Khuyến khích thiện nguyện nhưng phải đúng luật

Trước những bức xúc của dư luận về việc một số cá nhân làm từ thiện thiếu minh bạch, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, về nguyên tắc nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia làm thiện nguyện, giúp đỡ người khó khăn, gặp thiên tai, địch họa.

Nhà nước cũng quy định 2 cơ quan tham gia việc kiểm tra, giám sát hoạt động này là Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Theo Nghị định 64, đây là 2 cơ quan đứng ra tổ chức các hoạt động này. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định cụ thể hoạt động huy động tiền thiện nguyện của các cá nhân, tổ chức khác thế nào, khâu cấp phát ra sao.

 Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Vừa qua, các tổ chức cá nhân đã thực hiện việc mua, chuyển hàng đến người dân khó khăn. Chúng tôi chủ trương khuyến khích nhưng làm từ thiện phải trên cơ sở có nguyên tắc, quy định pháp luật.

Chính vì vậy, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định 64, và mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 93 để thay thế. Trong đó, nêu rõ cách làm, huy động bằng tiền, quyên góp hiện vật thì đều có hướng dẫn cụ thể. Bộ trưởng bày tỏ: Khi Nghị định 93 có hiệu lực, hoạt động từ thiện này sẽ đi vào nền nếp. Còn vừa qua, ai làm sai chúng ta buộc phải xử lý, dù không muốn.

Cơ quan Công an đang xác minh những “lùm xùm” tiền từ thiện

Liên quan đến ý kiến của một số đại biểu về tiếp nhận giải quyết các đơn tố cáo về sai phạm trong khuyên góp từ thiện, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hiện Bộ Công an đang giao cho Cục Cảnh sát hình sự tiến hành thụ lý, kiểm tra xác minh các nguồn tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin của người dân về hoạt động quyên góp, nhận từ thiện, cứu trợ trong đợt mưa lũ xảy ra tại miền Trung năm 2020 của một số nghệ sĩ để làm rõ theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Tô Lâm: Bộ Công an đang giao Cục Cảnh sát hình sự xem xét các nguồn tin về việc sử dụng tiền cứu trợ người dân trong đợt mưa lũ ở miền Trung năm 2020.

"Hiện nay, Cục Cảnh sát Hình sự đang phối hợp với ngân hàng tiến hành rà soát xác định những tài khoản đã huy động từ thiện để làm rõ việc tiếp nhận, đóng góp, quá trình giải ngân; phối hợp với UBND, MTTQ Việt Nam các cấp của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi… xác minh, làm rõ số tiền, hàng các nghệ sĩ đã tiến hành cứu trợ tại các địa phương.

Bên cạnh đó, cũng đã mời các cá nhân, tổ chức có liên quan làm việc, cung cấp các thông tin có liên quan để kết sớm kết luận vụ việc theo quy định của pháp luật" - Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Bộ trưởng cũng thông tin, Cục Cảnh sát Hình sự đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự toàn quốc rà soát, nắm tình hình hoạt động từ thiện diễn ra trên địa bàn, kịp thời phát hiện những tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi, chiếm đoạt tài sản.

Qua rà soát tại các địa phương, hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã tiếp nhận 6 tố giác tội phạm của công dân có liên quan đến việc biển thủ tiền từ thiện của các nghệ sỹ. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã tổ chức tiếp nhận, phân loại 6 tố giác theo đúng quy trình của pháp luật tố tụng hình sự.

“Mọi công việc đang tiến hành theo đúng quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, qua công tác rà soát, Bộ Công an sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tiếp nhận, phân bổ, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn, khắc phục thiên tai, hỏa hoạn, các sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo… theo hướng bổ sung các quy định để hoạt động này đảm bảo công khai minh bạch.

 Quang Vũ - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/co-quan-cong-an-dang-xac-minh-nhung-lum-xum-tien-tu-thien-d170478.html