Do chưa đủ cơ sở tài liệu để kết luận hành vi chuyển tiền “lại quả” của 14 nhà thầu cho các lãnh đạo Công ty Bình Hà nên CQĐT Bộ Công an đã tách vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại BIDV, đồng thời nhập vào vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” mà CQĐT Công an Hà Tĩnh đang giải quyết để điều tra, truy tố và xét xử thống nhất trong một vụ án.
Dự án chăn nuôi bò Bình Hà là “cú sốc” cho câu chuyện thu hút đầu tư vào Hà Tĩnh
Có tới 17 nhà thầu “lại quả” cho Bình Hà?
Ở “đại dự án” nuôi bò Bình Hà, căn cứ kết quả xác minh dòng tiền, CQĐT Bộ Công an xác định có 17 nhà thầu có việc chuyển tiền lại cho cổ đông: Đinh Văn Dũng, Thái Thành Vinh, Trần Anh Quang và Cty Bình Hà, tổng cộng 291,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo kết luận điều tra (KLĐT) hiện CQĐT Bộ Công an mới đủ tài liệu kết luận 3 nhà thầu có thực hiện hành vi này.
Kết quả điều tra cho thấy, ông Dũng trong thời gian làm Tổng Giám đốc Bình Hà có hành vi câu kết với 3 nhà thầu gồm: Cty Hantechco, Cty Dũng Đạt và Cty Hoàng Anh Việt Nam, lập các hợp đồng xây lắp, hợp đồng kinh tế, hồ sơ thanh quyết toán theo đơn giá và khối lượng các hạng mục do bị can Dũng đưa ra, cao hơn so với giá thực tế.
Trên cơ sở đó, bị can này đã chỉ đạo Bình Hà làm hồ sơ đề nghị BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh giải ngân tạm ứng trước 50% giá trị hợp đồng vào tài khoản của các nhà thầu và các đối tác này có trách nhiệm hoàn lại cho Bình Hà 20% tổng giá trị hợp đồng theo yêu cầu của bị can Dũng và 2 cổ đông Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh.
Tổng số tiền chuyển lại cho Bình Hà là 87,8 tỷ đồng. Trong đó, Cty Hantechco chuyển 57,5 tỷ, Cty Dũng Đạt chuyển 23 tỷ đồng và Cty Hoàng Anh Việt Nam chuyển 7,3 tỷ đồng. “Hành vi trên của bị can Dũng cấu kết với 3 nhà thầu trên, ký hợp đồng theo đơn giá và khối lượng do bị can Dũng đưa ra, sau đó gian dối với BIDV, để BIDV giải ngân tạm ứng 50% giá trị hợp đồng cho 3 nhà thầu, rồi thông qua 3 nhà thầu này nhận và chiếm đoạt 20% giá trị hợp đồng BIDV đã giải ngân, với tổng số tiền 87,8 tỷ đồng”, KLĐT nêu.
Số tiền này, theo CQĐT, bị can Dũng sử dụng 76,7 tỷ đồng để góp vốn cho 3 cổ đông, tiếp tục gian dối chứng minh vốn đối ứng, để BIDV tiếp tục giải ngân theo tỷ lệ vốn góp và chuyển cho Vinh sử dụng cá nhân 11 tỷ đồng. Vì thế, bị can Dũng đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 4 Điều 174 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Ngày 26/3/2019, CQĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với bị can Dũng về tội danh trên.
Tiếp tục điều tra làm rõ
Thông tin đưa ra trong KLĐT cho thấy, đã hết thời hạn điều tra nhưng CQĐT Bộ Công an vẫn chưa đủ cơ sở tài liệu để kết luận hành vi chuyển lại tiền của 14 nhà thầu còn lại, nên chưa thể kết luận được hết các nội dung. Căn cứ Điều 36, Điều 170 BLTTHS năm 2015, CQĐT Bộ Công an đã ra Quyết định tách vụ án hình sự: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại BIDV và Cty Bình Hà” thuộc vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng BIDV và Cty Bình Hà”, theo Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 07 ngày 26/3/2019 của CQĐT Bộ Công an.
Theo tìm hiểu, trước đó vào tháng 5/2018, CQĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam với Dũng về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 355 BLHS. Nhưng vào tháng 10/2018, CQĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định thay đổi Quyết định khởi tố vụ án, thay đổi quyết định khởi tố bị can với bị can Dũng từ tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” sang tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 BLHS.
Trao đổi với PV tại thời điểm đó, ông Ngô Đức Thủy, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Tĩnh cho hay: Khi CQĐT chuyển KLĐT vụ án sang VKSND, qua nghiên cứu lại thấy Bình Hà không phải doanh nghiệp nhà nước nên không bị điều chỉnh bởi điều luật này, các bị can không phạm vào tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” nên đã trả hồ sơ lại để điều tra bổ sung. Đại diện cơ quan kiểm sát Hà Tĩnh nêu quan điểm các bị can trong vụ án có dấu hiệu phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Như vậy, cho đến thời điểm này, cùng một hành vi vi phạm như nhau nhưng bị can Dũng đang bị 2 CQĐT điều tra khởi tố về 2 tội danh độc lập. Ngoài ra, vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (đã được tách ra như nói trên) do CQĐT Bộ Công an khởi tố, điều tra xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, mà phần lớn các nhà thầu và các đối tượng có liên quan đều ở tại địa bàn Hà Tĩnh.
Để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bị can và thống nhất trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, trên cơ sở đề nghị của CQĐT Bộ Công an ngày 13/3/2020, VKSND Tối cao đã ra Quyết định chuyển vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại BIDV và Cty Bình Hà đến CQĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh để nhập vào vụ án của CQĐT Công an Hà Tĩnh để điều tra, truy tố và xét xử thống nhất trong một vụ án.
14 nhà thầu bị cáo buộc chuyển tiền “lại quả” là ai?
Theo KLĐT của CQĐT Bộ Công an, có 4 nhà thầu gồm: Cty Tuấn Nam Trang, Điện Cơ khí Phước Hải, Cty Nhật Vĩnh và Nông Cơ Nhật Vĩnh, Cty Cửu Long có hành vi chuyển lại 7 tỷ đồng cho 3 cổ đông Cty Bình Hà. 10 nhà thầu còn lại có hành vi chuyển lại 182,6 tỷ đồng và nghi ngờ chuyển lại 10 tỷ đồng nhưng chưa đủ cơ sở tài liệu để kết luận.
Trong đó có 8 nhà thầu liên quan nhóm Cty Tân Đại Việt có trụ sở hoạt động và đối tượng liên quan tại tỉnh Hà Tĩnh đã được CQĐT Công an Hà Tĩnh thụ lý điều tra và kết luận có hành vi chuyển lại 114 tỷ đồng cho 3 cổ đông Bình Hà.