Cán bộ chiến sỹ Công an huyện Đan Phượng làm thủ tục cấp căn cước cho người dân địa phương.
Liên quan đến một số thông tin về việc rao bán làm căn cước công dân gắn chíp theo số "đẹp" trên mạng xã hội, ngày 19/4, Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, trên dãy 12 chữ số trên căn cước công dân chính là mã số định danh của công dân, đặc biệt, 6 số cuối cùng được hệ thống lựa chọn ngẫu nhiên, bởi vậy tuyệt đối không có chuyện chọn “số đẹp”. Cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ những thông tin rao trên mạng xã hội có thể làm căn cước công dân “số đẹp” theo yêu cầu để xử lý theo quy định.
Đại tá Nguyễn Hồng Ky cho hay, trong suốt quá trình triển khai thực hiện chiến dịch cấp căn cước công dân (từ ngày 1/1/2021 đến nay), kết thúc mỗi ngày làm việc, các đơn vị đều gửi dữ liệu cấp căn cước công dân thu được về Bộ Công an để tập hợp thông tin làm thẻ căn cước công dân gắn chíp kịp thời cho công dân.
Ngay khi nhận được thông tin phản ánh về tình trạng thu phí, lệ phí sai quy định và một số biểu hiện tiêu cực trong công tác cấp căn cước công dân ở một số địa phương, lãnh đạo Công an TP Hà Nội đã có văn bản gửi tới tất cả các đơn vị đang làm nhiệm vụ cấp căn cước công dân trên toàn thành phố, yêu cầu Thủ trưởng mỗi đơn vị phải sát sao hơn nữa trong việc kiểm tra đôn đốc công việc và chấn chỉnh kịp thời các biểu hiện tiêu cực. Để kịp thời khích lệ tinh thần làm việc của cán bộ chiến sĩ, Công an Thành phố đã lập các tổ kiểm tra độc lập vừa công khai, vừa bí mật.
Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội kiểm tra công tác cấp CCCD tại quận Ba Đình.
Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết thêm, tính đến nay, bằng sự nỗ lực của Công an TP Hà Nội, công an các quận, huyện, thị xã đã triển khai làm thủ tục hồ sơ cấp căn cước công dân cho 2,8 triệu người dân trên địa bàn thành phố. Theo kế hoạch đến tháng 6, Công an TP Hà Nội sẽ cấp 6,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp cho người dân. Để việc cấp thẻ căn cước công dân bảo đảm theo đúng kế hoạch trên, Công an TP Hà Nội đang tận dụng và huy động tối đa nhân lực, công suất của máy móc, dây chuyền hiện đại để thực hiện nhiệm vụ
Trước đó, 8/4, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 trường hợp đăng tin sai sự thật về việc làm căn cước công dân nhanh, số đẹp trên mạng xã hội Facebook để “câu like”. Người bị xử phạt là Đ.T.T.D (31 tuổi, trú tại phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Tại cơ quan công an, người phụ nữ thừa nhận thông tin trên là sai, bản thân không có mối quan hệ và khả năng tác động để làm CCCD số đẹp. Mục đích việc đăng tải bài viết nhằm “câu like” để bán hàng online. Sau khi làm việc với cơ quan Công an, bà D. đã nhận ra việc làm của mình là sai trái nên đã gỡ bỏ bài viết… Với hành vi trên, bà D. đã bị Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 7,5 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông được quy định tại khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020 của Chính phủ...
Đạt Lê - Theo KTĐT