Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 6 luật vừa được Quốc hội thông qua

02/12/2022 21:05

Kinhte&Xahoi Các Luật được công bố gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Thực hiện hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Dầu khí; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật Phòng, chống rửa tiền.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo

Chiều 2/12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo.

Bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân

 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 6 chương, 91 điều; Được xây dựng nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; Tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước. Đồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; Khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đáng chú ý, về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, đối với mục Nhân dân bàn và quyết định quy định cụ thể: Những nội dung nhân dân bàn và quyết định; Đề xuất nội dung để nhân dân bàn và quyết định; Hình thức Nhân dân bàn và quyết định; Quyết định của cộng đồng dân cư; Trách nhiệm của UBND cấp xã, Mặt trận Tổ quốc cấp xã, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và Nhân dân trong việc tổ chức việc bàn, quyết định và thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Chủ động thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình

 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 gồm 6 chương, 56 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết: Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội, cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Luật có những điểm mới như: Tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm; Thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng; Sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật 2007, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Luật khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra

 Thông tin về những điểm mới của Luật Thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, lần sửa đổi này, Luật cho phép thành lập thanh tra Tổng cục, cục thuộc Bộ thay vì mỗi Bộ chỉ có một tổ chức thanh tra.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm giới thiệu Luật Thanh tra

“Việc thành lập các cơ quan thanh tra tổng cục, cục dựa trên cơ sở các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hiện có nên không làm phát sinh thêm số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, cục thuộc Bộ”, ông Liêm nói.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Thanh tra năm 2022 là quy định chặt chẽ hơn về việc ban hành kết luận thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.

Luật đã quy định cụ thể, rành mạch về thẩm quyền, quy trình, thời gian các bước báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra (từ Điều 73 đến Điều 79).

Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh, khi luật này có hiệu lực thi hành, được thực hiện thì chắc chắn sẽ hạn chế tối đa việc chậm ban hành kết luận thanh tra và tiến tới sẽ không còn chậm nữa.

Ông cho biết thêm, Thanh tra Chính phủ cũng có riêng một nghị quyết quy định về nâng cao chất lượng và thời gian ban hành kết luận thanh tra.

Luật Thanh tra có 8 chương với 118 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Luật Phòng, chống rửa tiền gồm 4 chương, 66 điều, quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2023, trừ khoản 1 Điều 64 có hiệu lực từ ngày quy định khác về cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng chống rửa tiền do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành có hiệu lực.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý tài nguyên tần số theo hướng minh bạch, cạnh tranh hơn, gắn việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả với trách nhiệm và chế tài rõ ràng tập trung vào các nhóm chính sách mới. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Riêng quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 để các tổ chức đào tạo có thời gian chuyển đổi đáp ứng đầy đủ các quy định theo luật.

Luật Dầu khí gồm 11 chương, 69 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Luật quy định về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

 Anh Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/cong-bo-lenh-cua-chu-tich-nuoc-ve-6-luat-vua-duoc-quoc-hoi-thong-qua-212306.html