Theo đó, báo cáo tại buổi giao ban trực tuyến hàng ngày giữa Bộ GTVT và các địa phương đang tổ chức giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, TCĐBVN cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT, ngày 15/7, TCĐB VN đã công bố hướng dẫn tạo thuận lợi (tạo luồng xanh) lưu thông cho các phương tiện vận tải trong thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc và chi tiết các tuyến ưu tiên tạo luồng xanh.
Bên cạnh đó, TCĐBVN cũng đã công bố bổ sung phương án tổ chức giao thông cho các phương tiện lưu thông quá cảnh qua các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam trong thời gian phòng chống dịch COVID-19. TCĐBVN cũng đang khẩn trương hoàn thiện phần mềm quản lý, cấp giấy thông hành cho phương tiện lưu thông trên các luồng xanh liên tỉnh, liên vùng và toàn quốc, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào đầu tuần tới.
Ảnh minh họa.
Cùng ngày, TCĐBVN đã gửi UBND tỉnh Long An, Tiền Giang đề nghị thí điểm tổ chức lập chốt kiểm soát dịch bệnh phục vụ hoạt động vận tải hàng hoá trong thời gian TP HCM và một số tỉnh Tây Nam Bộ áp dụng Chỉ thị 16 tại 4 trạm dừng nghỉ sau:
Trạm dừng nghỉ thuộc tỉnh Long An:
- Trạm dừng nghỉ tại Km28+200 (bên phải tuyến) Cao tốc HCM-Trung Lương.
- Trạm dừng nghỉ tại Km28+200 (bên trái tuyến) Cao tốc HCM-Trung Lương.
Trạm dừng nghỉ thuộc tỉnh Tiền Giang:
- Trạm dừng nghỉ Minh Phát 2 tại QL 1A, xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang hướng từ TP HCM về cầu Mỹ Thuận.
- Trạm dừng nghỉ Phương Trang tại QL1A, xã Hoà Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang hướng từ cầu Mỹ Thuận về TP HCM.
Để hoạt động của các trạm dừng nghỉ đảm bảo các quy định phòng chống dịch, Tổng cục ĐBVN đề nghị UBND tỉnh Long An, Tiền Giang bố trí chốt kiểm soát dịch bệnh tại các trạm dừng nghỉ nêu trên và đưa vào hoạt động từ ngày 17/7. Tổ chức duy trì hoạt động để thực hiện việc kiểm soát dịch bệnh, tránh để lây lan dịch bệnh; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, trả kết quả cho lái xe, người xếp, dỡ hàng hoá đi theo xe theo quy định
Bên cạnh đó, bố trí lực lượng chức năng để phân luồng, điều tiết và bảo đảm an toàn giao thông tại trạm. Chỉ cho phép xe vận tải hàng hoá được ra, vào trạm để dừng, nghỉ tạm thời; các loại phương tiện khác không được phép ra, vào trạm để dừng, nghỉ (trừ trường hợp vào đổ xăng, dầu). Chỉ đạo lực lượng chức năng tại địa phương để phối hợp với trạm dừng nghỉ trong việc cung cấp một số mặt hàng thiết yếu, đồ dùng cá nhân để cung cấp tại trạm; không để lái xe, người xếp, dỡ hàng hoá đi theo xe tụ tập đông người. Xây dựng quy trình hướng dẫn phân luồng, điều tiết, bảo đảm giao thông; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, trả kết quả tại trạm; phân luồng và kiểm soát chặt chẽ các đối tượng ra, vào trạm để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Tính đến nay, tất cả các tỉnh, TP thuộc khu vực phía Nam điều đã lập Chốt kiểm soát dịch COVID-19. Tổng số có 72 Chốt trên các tuyến quốc lộ đã được lập tại các vị trí giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định, hiện nay sau gần 1 tuần tổ chức giao ban hàng ngày, cũng như lập nhóm liên lạc chung qua ứng dụng thông nên đến hiện nay tình hình giao thông vận tải tương đối tốt. Tuy nhiên còn phải làm tốt hơn nữa để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội đặc biệt là đối với các tỉnh mới áp dụng Chỉ thị 16. Đề nghị GĐ Sở GTVT các tỉnh có thể trao đổi học tập kinh nghiệm của các địa phương đã có kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động vận tải như Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, TP HCM.
Bên cạnh đó, để đảm bảo hàng hóa được lưu thông thuận tiện hơn nữa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các địa phương phải lập tổ công tác giữa các Sở GTVT, Công thương, Sở Nông nghiệp… để trao đổi, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành cũng như công bố đầu mối chính thức hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chấp thuận lưu hành cho phương tiện vận tải đi, đến địa phương, hướng dẫn cho phương tiện các điểm trả hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, nông sản trong bối cảnh đã đóng cửa các chợ đầu mối. Khi địa phương công bố luồng xanh phải tính toán đấu nối với luồng xanh liên tỉnh, liên vùng, luồng xanh quốc gia và thông báo cho TCĐBVN để quản lý, điều tiết.
Đối với các doanh nghiệp, phương tiện vận chuyển hàng thực phẩm thiết yếu, nông sản dễ hư hỏng, trong giấy thông hành kèm theo mã QR CODE phải có dấu hiệu nhận biết riêng để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong lưu thông, cung ứng nhanh nhất phục vụ nhu cầu của người dân. Điều quan trọng phải công bố mọi thông tin chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn một cách nhanh nhất, đầy đủ và dễ tiếp cận nhất.
Về thống nhất áp dụng các quy định y tế đối với lái xe, Bộ trưởng nhấn mạnh, hiện nay Bộ Y tế đã có công bố về hiệu lực giấy xét nghiệm theo phương pháp test nhanh và PCR là như nhau, đều có giá trị trong vòng 72h, nên các địa phương cần nắm rõ để kiểm soát và tạo điều kiện cho lái xe hoạt động. Phải đưa lái xe là đối tượng đặc biệt để ưu tiên tiêm chủng Vaccine, không phải cách ly y tế bắt buộc. Tăng cường quản lý việc chấp hành các quy định vận tải, quy định phòng chống dịch của các doanh nghiệp vận tải, xử lý nghiêm nếu có vi phạm.
Ngọc Hiếu - Pháp luật Plus