Lần thứ nhất, bỗng một hôm công dân các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Mỹ Đình… hoảng hốt khi thấy nước trong vòi có mùi lạ. Họ lập tức phản ánh lên cơ quan chức năng đồng thời đi tìm hiểu nguyên nhân.
Té ra, có một số kẻ đã đổ chất thải xuống nơi đầu nguồn hồ chứa của Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà.
Thành phố xôn xao, người dân hoảng sợ. Các địa điểm bán nước đóng chai chen chúc…
Hậu quả cho đến bây giờ, đã một người chết do xuống thau nước, lau rửa bể. Hàng vạn người bị đầu độc không biết bệnh tật sau này thế nào. Hàng đống tiền chi cho việc xúc rửa, vệ sinh và thay thiết bị…
Song, khi sự việc vỡ lở, những kẻ thực hiện vụ đổ chất thải bị bắt, người dân càng ngạc nhiên bởi hành trình đầy “lắt léo” của khối chất bẩn này.
Chiế xe vận chuyển phế thải khởi hành từ Bắc Ninh, vượt hơn 100 km đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà (Thị xã Phú Thọ) lấy chất thải bơm vào 10 thùng chứa với tổng dung tích khoảng 10m3.
Sau đó, nó di chuyển tiếp quãng đường hơn 110 km về Công ty cơ khí cao su K90 (xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) để gửi xe rồi mấy hôm nữa mới chở đến xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (cách nhau gần 90 km) để xả chất thải.
Ơ hay, lạ nhỉ?! Nếu chỉ đơn thuần là đổ trộm thì Phú Thọ thiếu gì đồi núi, thiếu gì nơi vắng vẻ mà họ lại kỳ công thế nhỉ? Chịu. Song, sự việc rồi đây chắc chắn sẽ được cơ quan công an làm rõ.
Vụ việc trên chưa kịp lắng xuống thì giờ đây, công dân Thủ đô lại tiếp tục xôn xao bởi một thông tin nóng hôi hổi: Giá nước của Công ty nước mặt sông Đuống cao ngút ngát trời xanh.
Cụ thể, theo thông tin từ báo chí, giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.
Lý giải về mức giá này, trả lời báo Tuổi trẻ, bà Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, chủ tịch HĐQT Công ty CP nước mặt Sông Đuống kể ra hàng loạt lý do, trong đó có phần công nghệ.
“Dự án của chúng tôi là mới, công nghệ châu Âu, các quy trình được khép kín toàn bộ bằng rô-bốt, tự ngắt, tự xúc xả khi có sự cố, không cần phải có bàn tay của con người. Ví dụ có ai đó đổ dầu tại sông Đuống, không bao giờ có mùi dầu ra được bên ngoài. Còn về công nghệ, phải lọc nước chuẩn thì mới có được nước thực sự sạch”.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà cũng nêu hàng loạt văn bản liên quan đến phương pháp tính tiền, nhấn mạnh việc “phải tính đúng, tính đủ” theo quy định, trong đó có cả tiền lãi ngân hàng.
“Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước khoảng 20%, tức là khoảng 2.003 đồng mỗi m3 nước”. Ông Hà nói.
Nói thẳng ra, họ tính rồi họ toán thế nào, người dân chẳng biết mà có muốn cũng chẳng thể biết. Chỉ có điều, tại sao nước sạch sông Đà giá chỉ có hơn 5.000 đồng/m3 một tý mà mỗi năm, báo cáo tài chính còn lãi mấy trăm tỉ đồng. Vậy thì tại sao nước sạch sông Đuống lại cao ngất ngưởng thế nhỉ? Trong khi, giá nước sạch tại TP HCM cao nhất chỉ là 4.300 đồng/m3.
Có lẽ cũng nên lưu ý, sông Đuống nối sông Hồng với sông Thái Bình và sông Đà nhập vào sông Hồng tại Tam Nông, Phú Thọ nên gần như hai nhà máy cùng lấy nước từ một nguồn.
Tóm văn lại, chỉ có mấy tháng, công dân Thủ đô hai lần hoảng loạn. Lần thứ nhất là nước sạch sông Đà bị nhiễm bẩn và lần thứ hai, nước mặt sông Đuống giá cả lên giời.
Hai sự việc có thể chẳng liên quan gì đến nhau nhưng cùng khiến công dân Thủ đô hoảng hốt, xôn xao về chuyện nước.