Công điện chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
Kinhte&Xahoi
Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa có công điện đề nghị thực hiện nghiêm Công điện 1725/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội Xuân 2022.
Trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ đầu dịp nghỉ lễ đến ngày 5/2), tai nạn giao thông so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã giảm sâu cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng như: Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Gia Lai ngày 1/2 làm 3 người chết, tại Vĩnh Long ngày 2/2 làm 2 người chết.
Tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp trên các trục chính, các đầu mối giao thông quan trọng của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, một số trạm thu phí và các địa điểm du lịch do nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân của người dân tăng cao.
Để bảo đảm giao thông thông suốt, phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn trong các ngày cuối đợt nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị các cơ quan thành viên của Ủy ban và Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị chỉ đạo thực hiện nghiêm Công điện 1725/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội Xuân 2022.
Duy trì tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm kết hợp với thông tin truyền thông, tổ chức giao thông, giám sát, phát hiện và xử lý sự cố kịp thời để kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trong ngày cuối của kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán.
Đồng thời tăng cường năng lực thông qua tại các trạm thu phí, bảo đảm nhanh chóng xả trạm nếu có tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài hoặc có đề nghị của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Tăng cường thông tin hướng dẫn người dân đi lại an toàn kết hợp phòng, chống COVID-19, tuyên truyền để người dân nghiêm chỉnh tuân thủ quy định pháp luật, hướng dẫn của các lực lượng chức năng, biết cách cập nhật các thông tin về tình hình giao thông và lựa chọn phương án đi lại phù hợp, tránh thời gian cao điểm trên các tuyến đường có lưu lượng phương tiện lớn.
Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tiếp tục triển khai phương án tăng cường năng lực vận tải, siết chặt kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện và người lái, xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé trái quy định, ô tô chở quá số người quy định. Đồng thời, tăng cường công tác tổ chức giao thông, đảm bảo an toàn về kết cấu hạ tầng, nhất là trên những đoạn tuyến vừa khai thác, vừa thi công.
Cảnh sát giao thông phối hợp với các lực lượng cảnh sát khác tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có tính phổ biến trong các dịp lễ, Tết như điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi sai làn đường phần đường, vi phạm tốc độ, vi phạm quy định về nồng độ cồn, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; đón trả khách không đúng quy định; sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật.
Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí thường xuyên phản ảnh tình hình vận tải và trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền biện pháp hạn chế tai nạn mô tô, xe gắn máy, tai nạn xe khách, tai nạn đường đèo dốc, tai nạn đường ngang đường sắt, đường thủy nội địa; hướng dẫn người dân tham gia giao thông đúng quy định, bảo đảm an toàn và phòng, chống COVID-19.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam thông tin thường xuyên, kịp thời tình hình trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền về nguy cơ tai nạn giao thông; phát các thông điệp an toàn giao thông; hướng dẫn người dân đi lại an toàn, phòng, chống COVID-19, tránh ùn tắc giao thông trong dịp cao điểm./.
Mặc Nha - Pháp luật Plus