1. Tối qua (6/1), Công Phượng ra mắt CLB TP.HCM. Lặng lẽ, đơn giản, cầm khăn, chụp ảnh, trả lời vài câu hỏi. Chỉ dừng ở đó.
Cách Công Phượng đến CLB TP.HCM rất khác so với những màn "chuyển đội" đầy phô trương và ồn ào trước đó trong năm 2019. Lễ ký hợp đồng của cầu thủ sinh năm 1995 với CLB Incheon United có sự tham gia của HLV Park Hang Seo. Thất bại ở Hàn Quốc, Công Phượng còn có buổi ra mắt hoành tráng hơn với Sint-Truidense.
Lễ ký thoả thuận với một đội bóng Bỉ lại tổ chức ở... Việt Nam, trước cả buổi kiểm tra y tế. Dễ thấy Công Phượng miễn cưỡng trở thành nhân vật phụ, trong ngày mà người ta nhớ nhiều hơn đến những phát ngôn của bầu Đức và "lờ mờ" nhìn thấy bản hợp đồng với tính thương mại vượt trội hàm lượng chuyên môn.
Công Phượng hiếm khi ra sân ở Bỉ.
2. 4 dòng, 3 câu, 53 chữ, đó là lời chia tay Sint-Truidense viết cho Công Phượng trên trang chủ CLB. Ngắn gọn, súc tích, trái với hàng loạt tuyên bố "đao to búa lớn" của các bên liên quan trong ngày ký hợp đồng.
Khi đi "khua chiêng gõ trống", khi về lặng lẽ âm thầm, đó cũng là hình ảnh biểu tượng cho chuyến xuất ngoại của Công Phượng cũng như hầu hết các cầu thủ Việt Nam trước đây. Tham vọng trời Âu vẫn rất xa xôi. Sang Nhật Bản, Hàn Quốc còn khó.
Bóng đá Việt Nam, ở một chừng mực nào đó, đã tiến lên nhóm hai ở châu Á, chỉ đứng sau những "ông lớn" như Nhật, Hàn, Australia, Iran, Qatar, Uzbekistan hay Ả Rập Xê Út, nhưng vẫn thua xa các nước này trên phương diện xuất khẩu cầu thủ sang những nền bóng đá phát triển.
Về mặt xuất ngoại, cầu thủ Việt Nam còn thua cả Thái Lan. Công Phượng, với những chuyến đi đằng đẵng trong 2 năm, sau cùng chỉ giúp người hâm mộ hiểu thêm điều này. Nhưng thôi, xuất khẩu cầu thủ thế nào, đó là câu chuyện vĩ mô của nền bóng đá.
Còn với Công Phượng, ở tuổi 25, cầu thủ này cần một "chốn dung thân", được tự do đá bóng, chứ không phải là "quân cờ" trong tay người khác và chuyển đội tới 2 lần trong một năm dương lịch. Đó là lúc CLB TP.HCM mở rộng cánh cửa.
Công Phượng sẽ làm lại ở CLB TP.HCM?
3. CLB TP.HCM cần Công Phượng để làm gì? Thu hút khán giả, đúng. Nhưng đội bóng đang là đương kim á quân mùa trước còn muốn có tiền đạo này vì chuyên môn. Đó là sự khác biệt về mặt mục đích so với Mito Hollyhock, Sint-Truidense hay Incheon United.
Lần đầu tiên trong sự nghiệp, Công Phượng được một đội bóng đưa về với yếu tố chuyên môn có thể bằng, hoặc cao hơn yếu tố hình ảnh. Xét cho cùng, Công Phượng vẫn là cầu thủ có tài, sở hữu nhiều phẩm chất hiếm có. Mùa giải cuối trước khi sang Hàn Quốc, Công Phượng ghi 12 bàn, nhiều hơn tất cả các tiền đạo nội của CLB TP.HCM cộng lại.
Trùng hợp hơn, đó cũng là mùa giải ông Chung Hae Soung làm cố vấn kỹ thuật cho HAGL. Dưới sự dẫn dắt của ông thầy là bạn thân của Park Hang Seo, Công Phượng sẽ lại bung toả?
Có thể có, hoặc không. Bởi từ trước đến nay, Công Phượng chỉ toả sáng ở những đội mà cầu thủ này trung tâm, được cấp nhiều bóng. CLB TP.HCM rất khác HAGL. HLV Chung Hae Soung còn có Phi Sơn, Huy Toàn, chưa kể dàn tiền đạo ngoại chuẩn bị cập bến.
Sẽ không có chuyện cả đội ưu ái dồn bóng, tạo điều kiện cho cá nhân nào, dù anh ta có là ngôi sao. CLB TP.HCM gây bất ngờ ở V-League mùa trước với tiêu chí ấy. HLV Chung Hae Soung sẽ không thay đổi.
Huy Toàn (trái) và Phi Sơn trong màu áo CLB TP.HCM.
Mà người thay đổi phải là Công Phượng. Bắt đầu từ nền tảng thể lực, sau đó là ý thức phòng ngự - những cản trở khiến Phượng không một lần toả sáng xứ người. Lưng chừng sự nghiệp, Công Phượng vẫn sống trên lằn ranh "thương" và "giận" của người hâm mộ. Thương vì những ký ức đẹp đẽ thuở U19 và đôi lần toả sáng ở U23, ĐTQG. Giận vì những kỳ vọng, niềm tin rất khó được hồi đáp trọn vẹn.
4. Giờ đây, Công Phượng không cần nghĩ đến những điều lớn lao, như "mở đường cho cầu thủ Việt Nam xuất ngoại" hay "chiến đấu vì bóng đá Việt Nam".
Tấm áo quá rộng cùng những hào quang "tưởng tượng" khiến cầu thủ không còn giữ được cái đầu lạnh. Nên nghĩ đến những cái gần gũi, là chiến đấu vì miếng cơm, manh áo, vì cái nghề, cái nghiệp của mình. Ý thức nghề nghiệp cũng là điều các chuyên gia cho rằng Công Phượng sẽ rất "thấm thía" sau những chuyến đi thất bại trước đây.
Tuổi 25, Công Phượng không còn trẻ, nhưng chiều dài sự nghiệp đủ lâu để làm lại. Nếu cần một lời khuyên, hãy hỏi HLV Park Hang Seo để biết chưa bao giờ là quá muộn. Trước tuổi 59, sự nghiệp của ông Park thăng ít, trầm nhiều, trước khi sang Việt Nam và được sống lại cuộc đời mới.
Điều tương tự có thể đến với Công Phượng trên hệ quy chiếu cầu thủ. Sang CLB TP.HCM với sự trầm lắng, âm thầm, biết đâu đấy, "Phượng" sẽ một lần nữa rộ nở ở mùa hoa thứ hai trong đời. Miễn là tiếp tục nỗ lực, mà cái đó thì Công Phượng không thiếu.
"Công Phượng là mẫu cầu thủ nếu được đá đều thì sẽ lấy lại phong độ tốt. Không chỉ đóng góp về chuyên môn, cầu thủ này còn có thương hiệu, hình ảnh tốt. Công Phượng hay Bùi Tiến Dũng dù ít được thi đấu, họ vẫn là 'cầu thủ quốc dân', khi về CLB nào sẽ tạo sức hút cho CLB ấy.
Được đá nhiều, Công Phượng lấy lại phong độ, ĐTQG sẽ có sức cạnh tranh hơn, Phượng cũng cống hiến được nhiều hơn. Điều này tốt cho nhiều bên. Về CLB TP.HCM, Công Phượng sẽ được đảm bảo góp mặt ở các sân chơi quốc tế, nên mặt hình ảnh vẫn được đảm bảo. Đây là thương vụ tốt cho nhiều bên, tốt cho cả bóng đá Việt Nam", BLV Quang Huy.