Công tác thi hành án năm 2022: Góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, khẳng định sự ưu việt của chế độ

08/11/2022 11:29

Kinhte&Xahoi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2022.

Bộ trưởng Lê Thành Long trình bày báo cáo tại phiên họp.

Năm 2022, Chính phủ luôn bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội theo phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, quyết liệt chỉ đạo thực hiện công tác thi hành án, thi hành Luật Đặc xá để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo các Nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án được thi hành nghiêm minh, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần khẳng định sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa và truyền thống khoan hồng, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.

Thi hành án tham nhũng, kinh tế tăng 290,51% về tiền

Tại phiên họp Quốc hội sáng nay, 8/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2022.

Trình bày báo cáo tại phiên họp, về công tác thi hành án dân sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, về công tác hoàn thiện thể chế, chỉ đạo điều hành, năm 2022, Chính phủ tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự (THADS).

Trong đó, đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật THADS để triển khai Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. cácBộ Tư pháp, Công an, Quốc phòngchủ trì, phối hợp ban hành 04 thông tư và 01 thông tư liên tịch; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy chế, quy trình nội bộ.

Chính phủ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác THADS, ra Nghị quyết giao cụ thể nhiệm vụ thực hiện hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án; tổ chức quán triệt, ban hành các kế hoạch triển khai Chỉ thị số 04-CT/TW; chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các vụ án lớn, phức tạp.

Về kết quả công tác THADS, Bộ trưởng Tư pháp thông tin, tổng số phải thi hành là 861.529 việc; có điều kiện thi hành 653.719 việc. Thi hành xong 539.290 việc, đạt 82,50%, tăng 6,67% so với năm 2021.

Tổng số tiền phải thi hành là gần 337 nghìn tỷ đồng; có điều kiện thi hành trên 165 nghìn tỷ đồng. Thi hành xong trên 75 nghìn tỷ đồng, đạt 45,42%, tăng 14,21% so với năm 2021.

Đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, đã thi hành xong 6.215 việc, thu được trên 22 nghìn tỷ đồng.

Đối với các khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đã thi hành xong 1.895 việc, thu được gần 16 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021.

Bộ Tư pháp và các cơ quan THADS đã tiếp 7.204 lượt công dân; tiếp nhận 9.717 đơn khiếu nại, tố cáo. Đã giải quyết xong 2.574 /2.649 việc, đạt tỷ lệ 97,17%.

Về công tác bồi thường Nhà nước, đã giải quyết xong 09 việc; còn 22 việc đang được cơ quan THADS và TANDxem xét, giải quyết theo quy định.

Tổ chức, bộ máy cơ quan THADS tiếp tục được kiện toàn, việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng.

Liên quan đến công tác thi hành án hành chính, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho hay, năm 2022, có 992 bản án, quyết định về vụ án hành chính phải thi hành, các cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án đã thi hành xong 429 bản án, quyết định.

Cơ quan THADS đã làm việc với người phải thi hành án trong 327 vụ việc; có văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 77 vụ việc; thực hiện đăng tải công khai và theo dõi đối với 370 quyết định buộc THAHC.

Về hoạt động Thừa phát lại, toàn quốc có 143 Văn phòng với 406 Thừa phát lại; đã tống đạt được 972.641văn bản, lập 145.689 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 02 việc, thụ lý tổ chức thi hành án 04 vụ việc, tổng doanh thu đạt hơn 267 tỷ đồng.

Về thi hành Luật Đặc xá, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ trình Chủ tịch nước ký Quyết định đặc xá cho 3.026 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 03 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 06 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù.

Bộ Quốc phòng cũng đã thành lập Ban chỉ đạo về đặc xá, ban hành mẫu biểu và hướng dẫn thực hiện việc lập hồ sơ, xét đề nghị đặc xá cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giữ do Bộ Quốc phòng quản lý. Kết quả, có 12 phạm nhân đủ điều kiện đề nghị đặc xá.

Đánh giá chung, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, năm 2022, công tác thi hành án vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là những hậu quả khá nặng nề do đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, Chính phủ luôn bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội theo phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, quyết liệt chỉ đạo thực hiện công tác thi hành án, thi hành Luật Đặc xá để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo các Nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án được thi hành nghiêm minh, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần khẳng định sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa và truyền thống khoan hồng, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.

Triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ

Thời gian tới, đối với công tác THADS, THAHC, Thừa phát lại, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay, Chính phủ sẽ tiếp tục quán triệt thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; Chỉ thị số 04-CT/TW; Kết luận số 05-KL/TW; Kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 của Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về THADS, THAHC.

Tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, THAHC theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 và Nghị quyết số 16/2021/QH15. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật TTHC; các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC.

Tập trung xây dựng, kiện toàn đội ngũ Chấp hành viên, công chức làm công tác THADS, có phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ. Lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực THADS, kiểm tra, thanh tra đối với công tác THADS, THAHC.Củng cố, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp liên ngành từ trung ương đến địa phương.

Tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng tiến độkế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, nhất là đầu tư kho vật chứng của các cơ quan THADS.

Triển khai đồng bộ, có hiệu quả Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các văn bản quy định chi tiết, quan tâm phát triển bền vững các Văn phòng Thừa phát lại. Chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông, cải cách hành chính, chuyển đổi số trong THADS, THAHC…

Chính phủ đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục quan tâm, tăng cường giám sát theo thẩm quyền đối với công tác THADS, THAHC, Thừa phát lại, THAHS. Quan tâm chỉ đạo, thể chế hóa các định hướng lớn của Đảng về công tác thi hành án; chỉ đạorà soát, tổng kết để sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật TTHC năm 2015.

Đề nghị TAND tối cao chỉ đạo TAND các cấp tiếp tục phối hợp có hiệu quả với cơ quan THADS thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chuyển giao bản án, tài liệu liên quan; kịp thời giải quyết các yêu cầu đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị về THADS; thực hiện tốt công tác tống đạt giấy tờ qua Thừa phát lại.

Đề nghị Viện KSND tối cao tăng cường chỉ đạo Viện KSND các cấp kiểm sát THADS, THAHC, nhất là trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Phối hợp với cơ quan chức năng kiên quyết lập hồ sơ xử lý nghiêm các đối tượng trốn tránh, chây ỳ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để hướng dẫn giải quyết những vướng mắc phát sinh trong tổ chức thi hành án tử hình, THAHS tại cộng đồng…

Hoàng Nam - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/cong-tac-thi-hanh-an-nam-2022-gop-phan-dau-tranh-phong-chong-toi-pham-khang-dinh-su-uu-viet-cua-che-do-d186341.html