Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội vừa ban hành kết luận thanh tra về việc đóng và thực hiện chế độ, chính sách BHXH; BHYT; BHTN tại Công ty TNHH Oh Vacation (Công ty Oh Vacation) có địa chỉ tại Số 614 phố Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.
Công ty Oh Vacation đăng ký với nghành nghề kinh doanh chính là Đại lý du lịch, thuộc đối tượng tham gia BHXH; BHYT; BHTN với 385 lao động do công ty quản lý đầu thời kỳ thanh tra (tháng 01/2021), trong đó có 264 lao động đã đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc.
Công ty Oh Vacation bị "bêu tên" nợ gần 900 triệu tiền BHXH. Ảnh inter
Tới thời điểm ngày 01/01/2021 đến ngày 31/01/2023 Công ty Oh Vacation lại tuyển mới 1.131 lao động đồng thời cho thôi việc 1.239 lao động. Tính đến ngày 31/01/2023 công ty đang quản lý 277 lao động, trong đó có 235 lao động đã đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc.
Do có sự chênh lệch lao động tham gia BHXH với lao động trên quyết toán thuế năm 2020, 2021 trước đó, ngày 28/9/2022 Bảo hiểm xã hội quận Tây Hồ đã làm việc với Công ty Oh Vacation về việc đóng bảo hiểm cho người lao động.
Qua kết quả thanh tra và xác minh, do Công ty Oh Vacation đang còn nợ 894.350.529 đồng tiền đóng BHXH nên 05 người đã chấm dứt quan hệ lao động nhưng chưa được xác nhận, trả sổ BHXH để người lao động tự quản lý và 40 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản hồ sơ đã được BHXH quận Tây Hồ duyệt nhưng chưa được chuyển tiền, với số tiền là 122.089.067 đồng công ty đã tạm ứng giải quyết cho người lao động.
Do đó Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội yêu cầu Giám đốc Công ty TNHH Oh Vacation khắc phục sai phạm chuyển ngay số tiền còn nợ BHXH, BHYT, BHTN về tài Bảo hiểm xã hội quận Tây Hồ, làm thủ tục xác nhận và trả sổ BHXH cho 05 người đã chấm dứt quan hệ lao động để người lao động tự quản lý.
Được biết, Công ty Oh Vacation hoạt động trong lĩnh vực đại lý du lịch.
Trước đó, trong danh sách 50 doanh nghiệp, đơn vị nợ đóng BHXH kéo dài (trên 6 tháng) trên địa bàn TP tính đến hết tháng 5/2022, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã “gọi tên” Công ty TNHH Oh Vacation với số tiền 2.923.442.701 đồng.
Doanh nghiệp chậm đóng BHXH sẽ bị xử lý thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 17 Luật BHXH 2014 quy định trốn đóng, chậm đóng BHXH bắt buộc,… là một trong những hành vi vi phạm pháp luật bị nghiêm cấm. Theo khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/20222/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với:
Người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHXH.
Bên cạnh đó, tại Khoản 7 Điều 39 Nghị định 12/20222/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
- Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng
Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Như quy định nêu trên, cá nhân khi có hành vi chậm đóng BHXH cũng sẽ bị phạt từ 12% đến 15% tổng số tiền đóng BHXH bắt buộc nhưng không quá 75 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải nộp lại số tiền chậm nộp và tiền lãi chậm nộp.
Xuân Thành - Pháp luật Plus