Như đã đưa tin, sản phẩm thuốc phụ khoa Hằng Thu của Công ty TNHH Hằng Thu Pharma (số nhà 68, đường Lương Văn Can, Khu AT, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) được quảng cáo với công dụng như một “thần dược”, điều trị tất cả các vấn đề về phụ khoa, nam khoa: viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, nấm âm đạo, sùi mào gà, khí hư cho đến những bệnh như tắc vòi trứng, tắc kinh, buồng trứng đa nang, vô sinh do viêm nhiễm, thậm chí là... làm hồng se khít âm đạo.
Sản phẩm "thuốc phụ khoa Hằng Thu".
Ở trên các trang bán thuốc phụ khoa Hằng Thu, người bán cũng không ngừng tung hê công dụng của thuốc có thể trị được các loại bệnh liên quan đến viêm nhiễm phụ khoa ở phụ nữ, nặng đến mấy thì chỉ cần dùng vài liệu trình thuốc là sẽ khỏi dứt điểm. Việc "khám bệnh", tư vấn, mua thuốc đều qua mạng, điện thoại, tin nhắn, người bán thuốc và tư vấn sử dụng thuốc cũng không phải là dược sĩ. Hơn nữa, tất cả các bệnh nhân, các loại bệnh đều dùng chung một loại thuốc, cùng liệu trình giống nhau mà có thể khỏi được bệnh?
Trước thực trạng này, các chuyên gia Đông y cảnh báo, nếu như mắc các bệnh lý về phụ khoa, nam khoa, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế có trình độ chuyên môn để được thăm khám và điều trị, khi chưa biết rõ về tình trạng bệnh của mình thì không nên tự ý mua thuốc về dùng khi không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Để biết thêm thông tin về Công ty TNHH Hằng Thu Pharma, PV đã liên hệ làm việc với Sở Y tế Khánh Hòa. Đại diện Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, cho đến nay Công ty TNHH Hằng Thu Pharma chưa đăng ký thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược tại Sở Y tế. Phòng Nghiệp vụ Dược đang làm hồ sơ để kiểm tra, rà soát liên quan đến công ty này.
Điều kiện để được kinh doanh thuốc cổ truyền
Theo quy định tại Luật Dược 2005 và các văn bản hướng dẫn, để có thể kinh doanh ngành nghề bán buôn thuốc thì Công ty phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là Sở Y tế.
Về bài thuốc gia truyền, theo Quyết định số 39/2007/QĐ-BYT năm 2007 về việc ban hành quy chế xét duyệt cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền thì ủy quyền cho Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc xét duyệt và cấp “Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền” theo đúng Quy chế được ban hành kèm theo Quyết định này. Bài thuốc gia truyền và việc lưu hành bài thuốc gia truyền phải báo cáo, đăng ký tại Sở Y tế để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Khoản 4 Điều 26 Thông tư 41/2011/TT-BYT về hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh có quy định:
Theo Khoản 5 Điều 31 Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật dược thì điều kiện để được kinh doanh thuốc cổ truyền gồm:
“a) Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược và người bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền của cơ sở bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền phải có một trong các bằng cấp sau:
– Bằng tốt nghiệp đại học ngành dược (còn gọi là Bằng dược sĩ);
– Bằng tốt nghiệp đại học ngành y học cổ truyền hoặc đại học ngành dược cổ truyền;
– Bằng tốt nghiệp cao đẳng ngành dược;
– Bằng tốt nghiệp trung cấp ngành dược;
– Bằng tốt nghiệp trung cấp y học cổ truyền hoặc dược cổ truyền;
– Giấy chứng nhận về lương y, giấy chứng nhận về lương dược, giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận khác về y dược cổ truyền được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực.
Ngoài ra, người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược còn phải có 01 năm thực hành chuyên môn tại cơ sở dược hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền
b) Có địa điểm cố định, riêng biệt; được xây dựng chắc chắn; diện tích phù hợp với quy mô kinh doanh; bố trí ở nơi cao ráo, thoáng mát, an toàn, cách xa nguồn ô nhiễm, bảo đảm phòng chống cháy nổ;
c) Phải có khu vực bảo quản và trang thiết bị bảo quản phù hợp với yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn.
Thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền phải được bảo quản riêng biệt với dược liệu, vị thuốc cổ truyền.
Dược liệu độc phải được bày bán (nếu có) và bảo quản tại khu vực riêng; trường hợp được bày bán và bảo quản trong cùng một khu vực với các dược liệu khác thì phải để riêng và ghi rõ “dược liệu độc” để tránh nhầm lẫn.
Thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền kê đơn phải được bày bán (nếu có) và bảo quản tại khu vực riêng; trường hợp được bày bán và bảo quản trong cùng một khu vực với các thuốc không kê đơn thì phải để riêng và ghi rõ “Thuốc kê đơn” để tránh nhầm lẫn.
Cơ sở chuyên bán lẻ thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền hoặc chuyên bán lẻ dược liệu thì chỉ cần có khu vực bảo quản tương ứng để bảo quản thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền hoặc để bảo quản dược liệu, vị thuốc cổ truyền;
d) Dụng cụ, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, dược liệu phải bảo đảm không ảnh hưởng đến chất lượng của thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, dược liệu;
đ) Có sổ sách ghi chép hoặc biện pháp phù hợp để lưu giữ thông tin về hoạt động xuất nhập, truy xuất nguồn gốc;
Đối với dược liệu độc, thuốc dược liệu kê đơn, thuốc cổ truyền kê đơn thì người trực tiếp bán lẻ và tư vấn cho người mua phải là người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ.
g) Trường hợp cơ sở bán lẻ có kinh doanh thêm các mặt hàng khác theo quy định của pháp luật thì các mặt hàng này phải được bày bán, bảo quản ở khu vực riêng và không gây ảnh hưởng đến dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.
Theo KD&PL