Nhiều nhà đầu tư condotel lo lắng khi COVID-19 tái bùng phát. (Ảnh minh họa)
Chị Trần Thị Hải (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, hồi cuối năm 2019, chị đầu tư 1 căn condotel tại Đà Nẵng với hy vọng sẽ có thêm thu nhập hàng tháng từ việc cho thuê căn hộ. Tuy nhiên, đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bất ngờ xuất hiện, căn hộ của chị Hải không có khách thuê, nằm bất động nhiều tháng. Phải đến tháng 9, 10, căn hộ condotel của chị Hải mới rục rịch có khách thuê trở lại, giúp chị có chút lợi nhuận khoảng 10 triệu/tháng.
Nhưng sang năm 2021, mới trải qua vài tháng mà các đợt dịch liên tiếp bùng phát từ Tết Nguyên đán và dịp 30/4 - 1/5 mới đây khiến chị Hải rơi vào thế phải "ôm bom" vì căn hộ chị mua gần như bị bỏ không, chị phải bù lỗ ròng rã và chưa biết đến bao giờ mới có thể phục hồi.
“Tôi bỏ ra gần 4 tỷ đồng để đầu tư căn hộ condotel, chưa kể chi phí sửa lên sửa xuống sau mỗi đợt đắp chiếu vì dịch bệnh. COVID-19 đã khiến tôi lao đao trả lãi. Nhà thì không có khách thuê, không có thu nhập, trong khi lãi hàng tháng phải trả của tôi cũng lên đến cả chục triệu đồng”, chị Hải lo lắng nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng cho biết, giữa năm 2019, chị mua 2 căn condotel tại Phú Quốc, mỗi căn trị giá hơn 3 tỷ đồng, vay 70% ngân hàng, lãi suất 11%/năm. Tiền lãi chủ đầu tư cam kết trả hàng tháng chưa được nhận lần nào nhưng mỗi tháng chị Ngọc phải trả lãi ngân hàng hơn 40 triệu đồng cho 2 căn.
“Các đợt dịch liên tiếp khiến lợi nhuận từ căn hộ gần như bằng 0, trong khi tháng nào tôi cũng ôm cục nợ 40 triệu đồng. Đúng là tiến thoái lưỡng nan, ôm tiếp thì cạn vốn còn bán đi cũng không được vì thời buổi này, không ai dại gì bỏ tiền mua rồi phải đóng cửa”, chị Ngọc than.
3 tháng đầu năm 2021, với tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt, du lịch khởi sắc, bất động sản nghỉ dưỡng dần có dấu hiệu tích cực. Nhiều nhà đầu tư mạnh tay gom hàng để đón chờ đợt sóng mới. Anh Trần Như Trung - một nhà đầu tư tại Quảng Ninh chia sẻ, từ cuối năm 2020, làn sóng bán căn hộ nghỉ dưỡng diễn ra mạnh mẽ, nhiều căn cắt lỗ sâu. Khi nhận thấy thị trường nghỉ dưỡng ấm lên rõ rệt, cơ hội và tiềm năng lớn, anh Trung đã nhanh tay gom hàng, chờ thị trường phục hồi để bán ra.
Tuy nhiên, COVID-19 quay lại hoành hành vài tuần qua đã khiến anh vỡ mộng. “Đợt dịch này bùng phát trên diện rộng và quá phức tạp, vì vậy, cũng chưa biết đến bao giờ thị trường hồi phục, để tôi có thể thoát hàng”, anh Trung lo lắng.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, bất động sản nghỉ dưỡng đối diện với nhiều thách thức khi COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021. Đầu tiên, dịch bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động xã hội và sản xuất - kinh doanh - du lịch, trong đó có cả thị trường bất động sản du lịch.
Khi các biện pháp hạn chế tập trung đông người được chính quyền các địa phương ban hành và kiểm soát chặt chẽ, chủ đầu tư phải thay đổi kế hoạch, hoạt động giới thiệu, mở bán. Do đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng mạnh, mặc dù mùa hè là mùa của du lịch và bất động sản du lịch.
Bên cạnh đó, vấn đề tài chính, thu nhập của nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng do các hoạt động kinh doanh sản xuất khác bị đình trệ.
Kịch bản lạc quan nhất, nếu COVID-19 nhanh chóng được kiểm soát cơ bản như những lần trước với các biện pháp quyết liệt của chính quyền, cơ quan chức năng và cả sự thận trọng của mỗi người dân thì bất động sản nghỉ dưỡng có thể phục hồi từ tháng 6 - tháng 8, vẫn kịp đón cao điểm mùa du lịch. Hiện nay, nhiều địa phương đã có kinh nghiệm kích cầu du lịch nội địa sau mỗi đợt dịch. Đây có thể coi là dấu hiệu khả quan để bất động sản du lịch và giới đầu tư condotel nuôi hy vọng.
Tuy vậy, cho đến lúc đó, thị trường khó thoát khỏi cảnh đóng băng và giới đầu tư phải tiếp tục "ôm bom" nếu không thể thoát hàng. Với những nhà đầu tư ít vốn, đây là bài toán khó, khiến không ít người có thể lâm cảnh cạn vốn, thậm chí là phá sản, nợ nần.
Ngọc Vy - Theo VTC News