Đà Nẵng dừng tất cả hoạt động không thiết yếu để chống dịch

22/07/2021 14:21

Kinhte&Xahoi Từ 12h ngày 22/7, Đà Nẵng tạm dừng tất cả hoạt động không thiết yếu trên toàn địa bàn thành phố để phòng chống dịch Covid-19.

Ngày 22/7, UBND thành phố ban hành Công văn số 4537/UBND-KGVX đề nghị các cơ quan, đơn vị, đoàn thể; các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, xã, phường và toàn thể nhân dân trên địa bàn thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc và quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố đã triển khai và tập trung thực hiện bổ sung một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay, kể từ 12h ngày 22/7/2021 trên toàn địa bàn thành phố.

Đà Nẵng dừng tất cả hoạt động không thiết yếu trên toàn địa bàn để chống dịch. (Ảnh: N.Tuấn).

Cụ thể, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố, thôn cách ly với tổ dân phố, thôn; chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: đi công tác, công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, đi mua hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc men..., và ra ngoài trong các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn...

Thực hiện nghiêm quy định 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Không tập trung - Khoảng cách - Khai báo y tế); giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tụ tập quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện...; yêu cầu bắt buộc khai báo y tế tất cả người dân trên địa bàn thành phố 3 ngày/lần.

Dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hoạt động bao gồm: nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, điện, nước, nhiên liệu, xăng, dầu...); ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đãng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...và những hoạt động khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối trên địa bàn dừng kinh doanh, buôn bán các mặt hàng không thiết yếu; chỉ được bán các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết.

Nghiêm cấm các nhà thuốc, các phòng khám tư nhân...bán thuốc cho những người có biểu hiện ho, sốt, đau họng khi không có chỉ định của bác sỹ và kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR kết luận âm tính.

Dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi (bao gồm các loại hình ứng dụng công nghệ như GrabCar...); hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh (bao gồm loại hình ứng dụng công nghệ như GrabBike... ); hoạt động giao nhận, vận chuyển hàng bằng xe thô sơ, xe gắn may, xe mô tô 2 bánh của người giao hàng công nghệ (Shipper).

Không tổ chức ăn, uống tập thể (đám hiếu, đám hỷ, tiệc liên hoan tân gia sinh nhật...) tập trung quá 5 người tại nhà riêng. Đám tang không để quá 48 giờ, tập trung không quá 20 người tại một thời điểm và đảm bảo giãn cách.

Dừng tất cả hoạt động tập thể dục đi bộ ngoài trời, hoạt động tập thể dục bằng xe đạp ngoài trời và các hình thức thể dục khác tại nơi công cộng.

Dừng việc tiếp công dân trực tiếp tại tổ một cửa tại Trung tâm hành chính thành phố và quận, huyện, phường, xã, nhưng vẫn bảo đảm giải quyết, xử lý công việc của công dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công mức độ 3, 4.

Sắp xếp bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc với số lượng không quá 50% tại công sở, cơ quan nhà nước, đoàn thể (trừ nhân viên y tế, lực lượng công an, quân đội và một số ngành đặc thù khác phục vụ phòng chống dịch) nhưng vẫn phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.

Dừng các hoạt động hội họp chưa thật sự cần thiết; trong trường hợp phải tổ chức các cuộc họp, sự kiện thì phải bảo đảm giãn cách 2 mét và tập trung không quá 20 người trong một phòng, ngoại trừ các cuộc họp, sự kiện quan trọng được cấp có thẩm quyền cho phép.

Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, khu công nghệ cao phải thực hiện các phương án phòng, chống dịch theo quy định; khuyến khích việc thực hiện “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn uống tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ); chủ động phương án làm việc giãn 50% ca, kíp sản xuất, đối với bộ phận quản lý gián tiếp làm viẹc không quá 50% số người.

Thay đổi việc áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 với 4 phường Hòa Khánh Bắc quận Liên Chiểu, Hòa An quận Cẩm Lệ, An Khê và Thạc Gián quận Thanh Khê; bởi các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch theo Công văn này và các văn bản khác có liên quan đã triển khai thực hiện.

UBND thành phố yêu cầu Thủ trưởng, người đứng đầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, phường, xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các quy định hiện hành về phòng, chống dịch COVID-19 để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức thực hiện, ra quân, kiểm tra, thanh tra xử phạt nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch nêu tại Công văn này.

 Nguyễn Tuấn - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/da-nang-dung-tat-ca-hoat-dong-khong-thiet-yeu-de-chong-dich-d161334.html