Bánh chưng gù Hà Giang
Cầm túi bánh nóng hổi trên tay, chị Linh Hương (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chị vừa mua 10 chiếc bánh chưng gù Hà Giang với giá 25.000 đồng/chiếc. Đây là dòng bánh mà 2 bé nhà chị rất thích nên chị thường mua về cho con ăn sáng, ăn trưa. Do bánh có trọng lượng khá nhỏ, chỉ khoảng 100 - 200gram nên khá phù hợp với khẩu phần ăn của 1 người.
"Bánh có kích thước nhỏ nên tôi dễ dàng mang theo ở bất cứ nơi đâu. Thế nên, tôi thường bỏ vào cặp cho con ăn mỗi khi đói. Hơn nữa, do bánh chỉ có gói bằng 1 lớp lá thay vì 4 - 5 lớp như bánh truyền thống nên việc bóc bánh khá dễ dàng, các con đều có thể tự làm được" - chị chia sẻ.
Ngoài ra, chị Hương còn cho rằng, điểm độc đáo của bánh chưng gù là phần vỏ bánh được làm từ gạo nếp nương, ngâm với nước lá dong riềng nên có màu xanh đậm. Vỏ bánh khá mềm, dẻo do không bị nén như bánh chưng thông thường.
Bánh chưng gù có trọng lượng khá nhỏ, chỉ từ 100 - 200gram
Anh Mạnh Hải (Cầu Diễn, Hà Nội) cho biết, so với bánh chưng thường, bánh chưng gù có hình dạng khá độc đáo, sở hữu độ cong nhẹ. Theo tiết lộ, mỗi ngày, anh bán ra thị trường 400 - 500 chiếc bánh, thu về cả triệu đồng tiền lãi.
Tuy nhiên, theo anh Hải, do bánh chưng gù được gói lỏng tay, dẫn đến lớp vỏ ngoài hơi nhão nên khó bảo quản. Thông thường, bánh sẽ được ăn ngay hoặc cùng lắm để trong 2 -3 ngày. Nếu để lâu quá, bánh sẽ bị sượng và hơi cứng.
Sâm đất Lào Cai
Sâm đất (khoai sâm) là loại củ được trồng nhiều ở Lào Cai. Vài năm gần đây, giới nội trợ Hà thành đều mê tít, săn lùng thứ đặc sản này. Ngoài có giá thành rẻ như khoai lang, sâm đất còn được quảng cáo là có nhiều công dụng như giải nhiệt, làm đẹp da, giảm béo, hỗ trợ tiểu đường, hạ đường huyết. Hiện giá bán ra cho mỗi cân sâm đất dao động từ 15.000 - 30.000 đồng.
Theo mô tả của một số tiểu thương, sâm đất có dáng hình như khoai lang, có thể ăn trực tiếp sau khi gọt vỏ. Củ sở hữu ruột vàng nhạt hoặc trắng trong. Khi ăn sẽ có hương vị như nhân sâm, giòn, ngọt, mát. Sâm đất có thể gọt ra làm nộm, nấu canh xương hoặc ngâm rượu.
Sâm đất hiện được bán với giá từ 15.000 - 30.000 đồng/kg
Anh Thành Trung, tiểu thương ở chợ Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, 3 ngày trước, anh nhập hơn 3 tạ sâm đất về bán mà hiện không còn cân nào. Thế nên, anh phải cấp tốc, liên hệ mới đầu mối bên Lào Cai nhập thêm 5 tạ để phục vụ các "thượng đế".
"Không chỉ chị em mà cánh mày râu cũng rất thích món này, chủ yếu là mua về ngâm rượu. Vị cay nồng của rượu hòa với vị ngọt thanh của sâm, mùi thơm của nhân sâm đúng là có một không hai" - anh chia sẻ.
Ngoài ra, anh Trung còn cho biết, hiện nay, giá sâm đất đã rẻ hơn so với mọi năm từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Như 2 năm trước, giá cho một cân đặc sản thường dao động 35.000 - 40.000 đồng.
Táo mèo tươi Tây Bắc
Dọc các tuyến đường ở Hà Nội như Tố Hữu, Mai Dịch, Cầu Diễn, táo mèo tươi được bày bán la liệt ở vỉa hè. Giá cho mỗi cân đặc sản Tây Bắc này dao động từ 15.000 - 20.000 đồng. Nếu khách lấy số lượng lớn, từ 30kg trở lên sẽ được mua với giá 10.000 đồng/kg.
Chị Phương, một tiểu thương bán táo mèo cho biết, trung bình mỗi ngày, chị bán ra thị trường từ 50 - 60 kg quả với giá 15.000 đồng/kg. Theo chị, lý do táo mèo có giá rẻ vì đây là những quả còn sót lại cuối mùa. So với chính vụ, quả sẽ không còn tươi mà chuyển sang màu ngả vàng, có vị hơi chát, không ngọt thuần nhưng vẫn giữ được hương thơm.
"Tranh thủ giá rẻ cuối vụ, nhiều người Hà Nội còn mua gom cả chục cân táo mèo. Đa phần, họ mua về ngâm rượu hoặc làm giấm táo để ăn quanh năm. Loại quả này có khá nhiều công dụng khi vừa làm thuốc, làm rượu và gia vị trong nhà" - chị kể.
Táo mèo giá rẻ được bán la liệt ở vỉa hè Hà Nội
Theo chị Phương, với người mua chuyên nghiệp, họ sẽ không lấy quả to mà thường chọn quả nhỏ, xấu xí, thậm chí là sâu, bởi đây là loại táo mèo ngon, có chất lượng tốt nhất. Ngoài ra, màu sắc, dáng hình quả cũng là một tiêu chí. Thông thường, người tiêu dùng hay chọn những quả táo mèo có lớp vỏ ngoài sần, ráp, màu xanh, khi nếm có vị chua, hơi chát.
Bánh ngải Lạng Sơn
Gần đây, món bánh ngải Lạng Sơn đang gây sốt trên chợ mạng khiến giới nội trợ phát cuồng. Do bánh được làm từ gạo nếp và lá ngải cứu nên khi ra lò, bánh có màu xanh mướt mắt. Chỉ với giá từ 4.000 - 6.000 đồng/chiếc, nên nhiều thượng khách không ngại rút ví mua cả trăm chiếc về ăn, biếu người thân, bạn bè.
Món bánh ngải Lạng Sơn có giá 4.000 - 6.000 đồng/chiếc
Chị Ngọc Linh, một tiểu thương trên chợ mạng cho biết, trung bình mỗi ngày, chị bán ra thị trường gần 1.000 chiếc bánh ngải. Khách mua đa phần là các chị em văn phòng, mẹ bỉm sữa và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch.
"Thoạt nhìn qua, bánh ngải có hình dáng khá giống với món bánh dày. Tuy nhiên thay vì màu trắng thì bánh ngải lại có màu xanh, bóng nhẫy, trông rất tươi mát. Đây vốn là món ăn đặc sản của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn" - chị nói.
Theo chị Linh, vài năm trở lại đây, người dân Hà Nội có xu hướng tìm về các món ăn quê, dân dã, nói không với chất bảo quản. Thế nên, các món ăn vùng miền độc đáo luôn là mặt hàng bán chạy, kinh doanh tốt với tiểu thương.
An Chi - Pháp luật Plus