Đại biểu HĐND TP chất vấn vấn đề “nóng” về xử lý nước thải, thoát nước

10/12/2022 08:59

Kinhte&Xahoi Ngày 9/12, HĐND TP Hà Nội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về những vấn đề "nóng" liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân, cụ thể là với nhóm vấn đề gồm công tác bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn TP.

Quang cảnh phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 HĐND TP

Làm thế nào để khắc phục tình trạng nước thải xả thẳng ra môi trường?

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Trịnh Xuân Quang cho rằng, các khu đô thị đều đã có quy hoạch, thiết kế trạm xử lý nước thải tuy nhiên còn thiếu hoặc đã đầu tư nhưng chưa đạt được hiệu quả. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết công tác kiểm tra, giám sát đầu tư và trách nhiệm của Sở và hướng giải quyết trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, pháp luật về môi trường đã quy định nước thải phải được xử lý trước khi xả ra môi trường, với việc các trạm xử lý chưa được đầu tư, nước thải tại các khu đô thị hiện vẫn xả thẳng ra môi trường, đề nghị Phó Giám Đốc phụ trách Sở TN&MT cho biết thực trạng, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Đại biểu Trịnh Xuân Quang đặt câu hỏi chất vấn. 

Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Anh Quân cho biết, theo quy định của Luật đầu tư và Luật Đầu tư công Nghị định 29 về giám sát, đánh giá đầu tư cái chương trình, dự án đầu tư của các nguồn vốn theo quy định thì có rất nhiều chủ thể tham gia giám sát như: Chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước đầu tư, về quyết định đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Trong suốt quá trình thực hiện đầu tư từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư, tổ chức thực hiện và ngành khai thác, nội dung  thu gom, xử lý nước thải trong đầu tư các khu đô thị là một nội dung kiểm tra chuyên ngành liên quan đến các đến lĩnh vực môi giới. Tại  Điều 79; 69; 73 của Nghị định 29 của Chính phủ cũng quy định việc kiểm tra, giám sát liên ngành này của các  cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Anh Quân trả lời chất vấn.

Về việc phân công của TP đối với việc kiểm tra chuyên ngành các dự án đầu tư, ngày mùng 10/2/2022 UBND TP đã ban hành Quyết định số 08 về phân công tổ chức giám sát đánh giá đầu tư các  chương trình, dự án đầu tư của TP quy định, Sở TNMT theo dõi, kiểm tra sự phù hợp của dự án đối với quy hoạch sử dụng đất, tình hình thực hiện các yêu cầu về việc chấp chấp hành các biện pháp xử lý của nhà đầu tư, chủ dự án về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai.

Việc tổ chức kiểm tra, giám sát, trong những năm gần đây TP đã quan tâm chỉ đạo, Sở KH&ĐT đã tham mưu cho UBND TP ban hành Quyết định 08 để phân công các vai trò. "Trong tháng 4 vừa rồi, chúng tôi cũng đã tham mưu UBND TP có cái kế hoạch giám sát đầu tư, Sở KH-ĐT đang tiến hành thực hiện"- Giám đốc Sở KH-ĐT thông tin.

Đồng thời cho biết: "Để khắc phục 266 dự án, trong đó có 10 dự án khu đô mà đại biểu nêu thì chúng tôi cũng đã tham mưu dự thảo một  kế hoạch để tham mưu TP thực hiện việc kiểm tra, giám sát, phân loại các cái dự án này từ những  giám sát trước của HĐND, chúng tôi đang trình TP để ban hành. Trong thời gian tới, sau khi phân loại các cái tồn tại, vướng mắc của khu đô thị, trong đó có dự án không có trạm xử lý nước thải sẽ tiến hành thực hiện".

Ông Lê Anh Quân cũng cho biết, trong năm 2023 thì Sở KHĐT cũng sẽ tham mưu và tập trung vào những cái dự án bức xúc mà các cái khu giám sát đầu tư theo chương trình.

Năm 2022 phát hiện 58 dự án xả thải vượt chỉ tiêu cho phép

Làm rõ về 10 dự án, Giám đốc sở KHĐT Lê Anh Quân cho biết, có 4 nhóm dự án: Nhóm thứ nhất là có 2 dự án theo quy hoạch  không có trạm xử lý nước thải chuyên ngành. Về việc này Trạm xử lý nước thải Linh Đàm mà ĐB đã có ý kiến thì Sở QHKT sẽ giới thiệu địa điểm trong thời gian tới; Nhóm thứ 2 có 3 cái dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng gồm Trạm xử lý nước thải Khu đô thị TP giao lưu, Khu dự án Charm Villa và khu Tân Tây Đô; Nhóm thứ 3 có 2 dự án đã đầu tư xây dựng chưa đi vào hoạt động ở khu đô thị Gamudar  City và Khu đô thị sinh thái Xuân Phương Foresa Villa do chưa kết nối được hệ thống thoát nước Khu đô thị và còn có vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Các đại biểu HĐND TP tại Kỳ họp

Giải pháp mà Sở KHĐT kiến nghị là giao cho quận Hoàng Mai, quận Nam Từ Liêm tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư hoàn thành kết nối vào quý 2/2023. Sở Xây dựng có trách nhiệm đôn đốc và kiểm tra, đề xuất, báo cáo với UBND TP những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền.

Nhóm thứ 4 có 3 dự án chưa đầu tư xây dựng Khu đô thị Văn Phú Hà Đông do khu đất xây dựng trạm xử lý trùng với hệ thống kênh thoát nước của TP. Giải pháp ở đây là để đề nghị UBND TP giao Sở QHKT rà soát, kiểm tra về quy hoạch, đề xuất phương án tháo gỡ, báo cáo UBND TP xem xét, chỉ đạo trong quý 1/2023. Thứ hai là Khu đô thị Dương Nội do chưa được cấp giấy phép xây dựng theo cơ chế đặc thù của hợp đồng EPC.  

UBND TP đã giao cho Sở Xây dựng để kiểm tra, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nhà đầu tư triển khai thực hiện trong quý 1/2023.Thứ ba Khu đô thị Kim Chung-Di Trạch, tiến độ hoàn thành vào quý 4/2027, đề nghị UBND TP giao chủ yếu cho huyện Hoài Đức giám sát việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải.

Với trách nhiệm giám sát, đánh giá đầu tư là một trong những công việc của Sở KHĐT, tổng dự án thì trong năm 2023 chúng tôi cũng sẽ bám sát và sẽ quan tâm đến những các  dự án tồn tại, đặc biệt là những dự án thuộc trách nhiệm giám sát.

Phó Giám đốc phụ trách Sở TN&MT Mai Trọng Thái trả lời chất vấn.

Cùng trả lời về nội dung này, Phó Giám đốc phụ trách Sở TN&MT Mai Trọng Thái cho biết, năm 2022 phát hiện 58 dự án xả thải vượt chỉ tiêu cho phép, số tiền xử phạt 4 tỉ đồng. Qua quá trình kiểm tra tồn tại một số nguyên nhân chủ yếu là: Thứ nhất, theo quy hoạch cấp nước của TP, các khu đô thị sẽ không xây dựng trạm xư lý thải phân tán, sẽ đấu nối vào đầu mối thu gom thoát nước thải và các hệ thống xử lý nước thải tập trung của TP. Thứ 2, một số khu đô thị đã tồn tại từ lâu nên thiếu quy hoạch cho việc bố trí trạm xử lý nước thải trong khu đô thị. Vấn đề này dẫn đến khó khắc phục xử lý hiện trạng xử lý nước thải theo quy định.

Thứ 3, một số khu đô thị, chủ đầu tư đã hoàn tất xây dựng hạ tầng và đã bàn giao cho người dân, nên việc bố trí kinh phí phát sinh cho việc xử lý nước thải khó thực hiện, do không có trong kế hoạch sử dụng vốn dự án ban đầu. Thứ 4, do khó khăn giải phóng mặt bằng triển khai theo tiến độ từng giai đoạn dự án, một phần dự án đã được bàn giao cho chủ đầu tư khác. Vì vậy, có một số có một số giải pháp tạm thời xử lý từng cụm dự án thành dự án riêng lẻ, sau đó mới hoàn tất hạ tầng toàn bộ khu đô thị xây dựng dự án theo kế hoạch tập trung.

Đối với nội dung này, Sở TN&MT sẽ báo cáo TP để có các giải pháp cụ thể giải quyết tồn tại trên. Vấn đề này cũng đề nghị giao ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và môi trường đẩy nhanh xây dựng các dự án nước thải tập trung theo quy hoạch và hệ thống thu gom nước thải đảm bảo đấu nối theo quy định. Đối với dự án tồn tại từ lâu thiếu quy hoạch xây dựng xử lý nước thải, cần khẩn trương hoàn thiện điều chỉnh bổ sung quy hoạch và đầu tư các hạng mục xử lý nước thải.

Việc xử lý nước thải đối với giải pháp, Sở báo cáo TP, sẽ hoàn thiện hộ thống mạng lưới quan trắc giám sát tự  động, giám sát chặt chẽ việc xử lý nước thải. Đối với các khu đô thị cần nghiêm túc hoàn thành các dự án xử lý nước thải tập trung theo dự án phê duyệt.

Theo nhận định của Thường trực HĐND thành phố, dù có nhiều nỗ lực, cố gắng, song thực tiễn vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ.

Hiện có 8 dự án chưa triển khai thực hiện, đó là các dự án: Xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực sông Nhuệ; xây dựng thoát nước quận Hà Đông; xây dựng công trình đầu mối cấp 1 quận Long Biên; xây dựng hệ thống thu gom nước thải lưu vực S1 cho Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Phú Đô; xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ; xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây; xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải An Lạc.

Trên địa bàn thành phố hiện nay, tổng công suất của các nhà máy đang hoạt động chỉ chiếm khoảng 28,8% lượng nước thải cần xử lý, thấp hơn so với mục tiêu phải đạt được đến năm 2020 là 60% theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đặc biệt, tổng số vốn bố trí đầu tư kế hoạch trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 cho 39 dự án xây dựng trạm xử lý nước thải, các công trình thoát nước, thủy lợi tiêu úng là hơn 13.500 tỷ đồng, bằng 6,2% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn cấp thành phố.

Mặc dù đã được bố trí vốn, nhưng rất nhiều dự án triển khai chậm. Đơn cử, dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trên địa bàn huyện Thanh Trì, có tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản. Đây là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội. Dự án này vừa được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian thực hiện kéo dài tới năm 2025, thay vì năm 2021 như kế hoạch ban đầu. Dự án đang triển khai 4 gói thầu, trong đó, tiến độ thành phần một số hạng mục của các gói thầu rất chậm so với kế hoạch, chỉ đạt từ 19-40%. Nếu không được nhanh chóng khắc phục, tháo gỡ, thì chỉ tiêu tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đến năm 2025 đạt từ 50-55% theo các chương trình công tác của Thành ủy sẽ khó mà về đích đúng hẹn. 

Nhóm PV - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/dai-bieu-hdnd-tp-chat-van-van-de-nong-ve-xu-ly-nuoc-thai-thoat-nuoc.html