Sáng 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; Công tác thi hành án; Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp)
Theo đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp), năm 2021, dưới sự tác động của dịch Covid-19, tội phạm có loại tăng loại giảm, song công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật đã đạt nhiều kết quả tích cực, bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện trọng đại của đất nước.
“Đặc biệt các ngành đã chủ động, kết hợp với ngành Công an điều tra làm rõ các vụ án gây bức xúc dư luận trên tinh thần công tâm, khách quan, không bỏ sót tội phạm. Chất lượng điều tra phá án ngày được nâng lên, chuyên nghiệp hơn, tỉ lệ điều tra phá án cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao. Đây là điều rất trân trọng”, ông Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Văn Hoà nhận định tình hình sắp tới sẽ “sống chung an toàn” với dịch Covid-19, tội phạm dự báo sẽ tiếp tục phát sinh ở các lĩnh vực, vì vậy cần có sự quyết tâm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm.
Cũng theo đại biểu, tình hình tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công; Lợi ích nhóm, “sân sau” vẫn còn phổ biến. Để việc phòng ngừa, ngăn chặn đạt hiệu quả, đại biểu đề nghị tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho công chức, viên chức và người lao động để “không dám, không muốn, không ham” tham nhũng.
“Cần tăng cường thanh tra, kiểm toán, giám sát các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, nhất là thời gian gần đây xảy ra trong mua sắm thiết bị y tế, gói hỗ trợ an sinh xã hội, đóng góp của Nhân dân trong công tác từ thiện”- đại biểu nêu.
Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam)
Nhất trí cao với báo cáo công tác phòng chống tội phạm, tuy nhiên đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) đề nghị làm rõ hơn tình hình gây rối trật tự công cộng và tội phạm chống người thi hành công vụ, bởi đây là hai loại tội phạm tăng đột biến trong năm 2021, thời gian dịch Covid-19 xảy ra trên nhiều tỉnh thành.
Bày tỏ bức xúc khi hoạt động nhân đạo, từ thiện, kêu gọi, vận động trong công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh vừa qua xảy ra tình trạng tranh chấp, nói xấu lẫn nhau trên mạng xã hội, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, văn hoá truyền thống Việt Nam, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị các cơ quan điều tra, tư pháp phải vào cuộc điều tra, xử lý kịp thời và quyết liệt, chấm dứt tình trạng này.
Về việc tổ chức phiên toà xét xử theo hình thức trực tuyến, đa số các đại biểu ủng hộ đề xuất này, cho rằng đây là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp, phù hợp với quy định hiện hành và đòi hỏi của thực tiễn khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp như hiện nay. Đây cũng là bước đi cần thiết trong việc xây dựng toà án điện tử, toà án số...
Theo đại biểu Trần Đình Văn (đoàn Lâm Đồng), xét xử trực tuyến không mới với các nước trên thế giới và liên tục được điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
Song, đây là vấn đề mới ở Việt Nam, liên quan tới nhiều quy định tố tụng hiện hành, tác động trực tiếp tới quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Do đó khi thực hiện cần đảm bảo thuận lợi cho người tham gia, đảm bảo an toàn, hiệu quả, bảo mật, chặt chẽ trong quá trình tranh tụng tại phiên toà.
Ủng hộ việc áp dụng xét xử trực tuyến, tuy nhiên đại biểu Trần Đình Văn đề nghị giới hạn thời gian thực hiện thí điểm, ví dụ 3 năm để Toà án Nhân dân tối cao báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện để rút kinh nghiệm, nghiên cứu hoàn thiện, thực hiện hiệu quả hơn trong tương lai.
Hạnh Nguyên - TTTĐ