Ngày 23/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thảo luận tại tổ
Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội cho rằng, quan điểm xuyên suốt trong dự thảo Luật là phải bảo đảm mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, vừa thể hiện kết quả của thi đua là cơ sở để khen thưởng và ngược lại, khen thưởng để thúc đẩy phong trào thi đua, song vẫn thể hiện thi đua và khen thưởng là hai phạm trù có sự độc lập tương đối với nhau về tính chất, phạm vi và nguyên tắc. Đồng thời, không phải mọi khen thưởng đều xuất phát trực tiếp từ thi đua (khen đột xuất, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng theo niên hạn, khen đối ngoại).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, chúng ta đang tập trung nhiều vào khen thưởng mà chưa chú ý phát động phong trào thi đua một cách mạnh mẽ trong các tầng lớp Nhân dân.
“Phải làm sao thi đua thực tế hơn, tránh hình thức, thấm sâu trong từng cơ quan, đơn vị, tạo nên phong trào quần chúng”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, trong khen thưởng có hiện tượng chạy thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm. Vì vậy, khen thưởng phải chặt chẽ, phù hợp, đúng quy định; Không chỉ chú trọng khen thưởng mà còn chú trọng thi đua.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, Chủ tịch nước đề nghị nên có hình thức tôn vinh cá nhân, tổ chức tuyến đầu và cả tuyến sau chống dịch. Vì khen thưởng có quyền lợi nhất định nên Chủ tịch nước cho rằng, cần có chế tài về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình thi đua, khen thưởng.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) thảo luận tại tổ
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cơ bản nhất trí với dự án Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi, song kiến nghị cần tăng tính bao phủ trong các đối tượng của xã hội, đặc biệt là người dân, doanh nghiệp tư nhân, công nhân xuất sắc, tiêu biểu để các đối tượng đặc thù, yếu thế trong xã hội có cơ hội được khen thưởng.
Đại biểu cũng cho rằng, các phong trào thi đua hiện nay còn mang tính hành chính hóa, chưa có cơ chế khuyến khích thi đua với người lao động, trẻ em, người dân tộc thiểu số với trình độ dân trí có hạn.
“Chúng ta cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng; Cùng với đó, cần rà soát lại các danh hiệu thi đua của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố để luật hóa các danh hiệu thi đua này và chú trọng đến quyền lợi của người được khen thưởng ngoài danh hiệu thi đua, ví dụ như được tăng lương, đăng tên trong bảng vàng, hoặc mua nhà ở xã hội...
Đặc biệt, đơn giản hóa các thủ tục xét tặng danh hiệu khen thưởng gắn với trách nhiệm của cấp đề nghị và chịu trách nhiệm về thành tích này”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu kiến nghị.
Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình khi Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi với mục tiêu hướng đến người lao động trực tiếp trong xã hội.
“Hiện nay, các tiêu chí, tiêu chuẩn vẫn chung chung, chủ yếu dành cho cán bộ, công chức khối cơ quan hành chính nhà nước. Vì thế, việc sửa đổi cần xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cần cụ thể. Đặc biệt là để Luật Thi đua, khen thưởng phải trở thành động lực để các đối tượng được khen thưởng tiếp tục có nhiều đóng góp cho xã hội”, đại biểu Trương Xuân Cừ nêu.
Liên quan đến khen thưởng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng cần quy định cụ thể hơn về đối tượng, tiêu chuẩn cụ thể được nhận Huân chương Đại đoàn kết dân tộc.
Có ý kiến lưu ý, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc đang quy định dành tặng cho nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo và cá nhân có công lao. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại đang thiếu đối tượng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, cần được bổ sung thêm.
Hạnh Nguyên - TTTĐ