Đại biểu Quốc hội “truy” Bộ trưởng việc ùn ứ hàng hóa ở cửa khẩu

17/03/2022 07:18

Kinhte&Xahoi Nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương liên quan đến tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu sang Trung Quốc.

"Có gì làm nấy, có gì bán nấy" sẽ luôn bị động

 Ngoài vấn đề nóng là xăng dầu, việc ùn ứ hàng hóa ở các cửa khẩu và nguyên nhân, giải pháp cũng được một số đại biểu Quốc hội chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên tại nghị trường phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 16/3.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) chất vấn: “Thời gian qua, Bộ Công thương đã liên tục phối hợp với các ngành, địa phương để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, khuyến cáo cũng như cảnh báo đối với các doanh nghiệp, tổ chức và thương nhân, nhưng tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu vẫn diễn ra. Vậy xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng nêu trên?”.

Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn. (Ảnh: quochoi.vn)

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực tế thời gian qua đã cho thấy, vấn đề ùn ứ nguyên nhân đầu tiên do Trung Quốc thực hiện chính sách Zero COVID.

Đồng thời, hàng hóa nông sản của Việt Nam xưa nay bán qua biên giới chủ yếu xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, sản phẩm xuất sang bên đó chủ yếu là không theo quy hoạch và cũng không đạt tiêu chuẩn.

Theo ông Diên, Bộ Công thương đã tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo thống nhất quan điểm là trao đổi với Trung Quốc để xây dựng quy trình thông quan, vùng xanh cho hàng hóa ở biên giới.

Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo tăng cường các hoạt động tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa theo cả truyền thống và thương mại điện tử và tăng cường kết nối giao thương để mở rộng thị trường.

Về giải pháp căn cơ, ông Diên cho biết, nếu cứ tiếp diễn tình trạng "có gì làm nấy, có gì bán nấy" sẽ luôn bị động. Từ đó, người đứng đầu ngành Công thương đề nghị các địa phương có chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất, bám sát nhu cầu thị trường.

Mới đây, Bộ Công thương cũng đã phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị và trình đề án hàng hóa xuất qua biên giới theo tiêu chuẩn chính ngạch, giải quyết lâu dài, căn cơ vấn đề này.

Trong nước chưa được chào đón thì sao bán ra được nước ngoài

 Cũng liên quan đến việc xuất khẩu hàng hóa, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) nêu vấn đề cần có giải pháp để tránh việc cửa khẩu đóng mở liên tục, gây ùn ứ.

Trả lời chất vấn của đại biểu Thành, Bộ trưởng Công thương cho biết, chiến lược phòng, chống dịch của Việt Nam và Trung Quốc có những điểm không giống nhau.

Theo đó, Việt Nam thì thích ứng an toàn, nhưng Trung Quốc lại thực hiện Zero COVID. Thời điểm trước Tết, mặc dù hàng hóa ùn ứ rất lớn nhưng chúng ta cũng tích cực giao thiệp. Qua giao thiệp chủ yếu bàn việc giao hàng qua phương thức nào để đảm bảo an toàn cho cả hai bên. Vì mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho người dân vẫn là trên hết, không phải vì lợi ích trước mắt.

Qua giao thiệp chúng ta hình thành phương thức giao nhận hàng hóa, hình thành các luồng xanh, vùng an toàn dịch bệnh. Ở thời điểm đó, dịch ở Việt Nam chưa nặng, dịch nước bạn kiểm soát tốt nên lưu thông hàng hóa được.

Ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu sang Trung Quốc đang là vấn đề nan giải

Tuy nhiên, sau Tết, dịch bùng phát ở phía Bắc, khu vực biên giới có nhiều người mắc, cả người Việt Nam và Trung Quốc nên cửa khẩu lại đóng cửa.

"Việc đóng mở cửa khẩu là việc của ngoại giao. Hàng nông sản đảm bảo chất lượng hay không không chỉ là trách nhiệm của ngành Công thương. Nhưng chúng tôi thấy phối hợp với nhau rất tốt nên giải quyết được bài toán này", ông Diên nói.

Theo Bộ trưởng Diên, những ngày tới việc giao thiệp vẫn phải duy trì, đây là việc cần thiết, ngoại giao vẫn là trên hết. Khi không ngoại giao được mới phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật.

Người đứng đầu ngành Công thương đánh giá, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn. Những nước rất xa vẫn tìm Trung Quốc để bán hàng và Việt Nam không có lý do gì để không bán hàng. Lý do nữa là các nước đưa ra tiêu chuẩn hàng hóa rất cao, đòi hỏi người sản xuất phải tuân thủ quy định này. Nhưng trên thực tế, ta với tập quán sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, không đảm bảo quy chuẩn.

Do đó, ông Diên khuyến cáo các ngành sản xuất nói chung đặc biệt là nông nghiệp, nông sản, thực phẩm đều phải cố gắng sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tiêu chuẩn và tiêu chuẩn ấy phải sát từng thị trường chứ tiêu chuẩn chung chung rất khó.

"Hàng xuất vào Trung Quốc dù là chính ngạch nhưng nếu trục trặc gì đó không xuất được vào Trung Quốc cũng không dễ gì vào các thị trường khác", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

"Chúng ta hiện đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do nhưng nếu không nâng năng lực sản xuất, khả năng thích ứng để đáp ứng nhu cầu thị trường thì sẽ thua ngay trên sân nhà, trở thành thị trường tiêu thụ cho đối tác. Gần 100 triệu dân của chúng ta là thị trường hấp dẫn đối với các nước. Trong khi đó hàng sản xuất của chúng ta rất nhiều nhưng đưa đi thì rất khó. Vì ngay cả bán trong nước cũng chưa chắc đã được chào đón thì bán ra nước ngoài làm sao được", Bộ trưởng nêu vấn đề.

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-truy-bo-truong-viec-un-u-hang-hoa-o-cua-khau-191984.html