Đại biểu Quốc hội: Vẫn còn một bộ phận cán bộ cơ sở lơ là, bị động trong phòng, chống dịch

08/11/2021 14:05

Kinhte&Xahoi Trong khi lãnh đạo Chính phủ sát sao chỉ đạo, bám sát địa bàn thì một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch.

Sáng 8/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch Covid-19.

Có nơi còn cứng nhắc, lạm quyền

Phát biểu thảo luận, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) khẳng định các biện pháp phòng, chống dịch mặc dù có một số việc chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng là hợp lý, phù hợp cho từng giai đoạn, bảo đảm yêu cầu chung.

Những nỗ lực, cố gắng vượt bậc và sự đồng lòng của Nhân dân đã giúp nhiều địa phương chuyển sang tình trạng bình thường mới. Tuy nhiên trong công tác phòng, chống dịch vẫn có những hạn chế, đặc biệt là trong việc thực thi công vụ.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) thảo luận trước Quốc hội

Cụ thể, mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc về lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, kiên quyết không để ban hành “giấy phép con”, không để cát cứ tại các địa phương nhưng tại một số thời điểm, vì quá lo lắng cho địa phương mình mà có nơi đặt ra yêu cầu cao hơn, vượt quá mức cần thiết. Điều này đã gây khó khăn, bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, chưa tạo điều kiện cho người dân tại các thành phố lớn, công nhân về quê tránh dịch.

Trong khi lãnh đạo Chính phủ thì sát sao chỉ đạo, bám sát địa bàn nhưng một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chủ quan, bị động trong phòng chống dịch. Cá biệt có cán bộ địa phương vi phạm quy định phòng chống dịch như đi đánh golf trong thời gian giãn cách, tới khi bị phát hiện lại khai báo không trung thực. Có trường hợp cán bộ thi hành công vụ xa rời thực tế, không bám sát nhu cầu người dân như việc coi bánh mì không phải mặt hàng thiết yếu… Ngoài ra, có nơi còn quá cứng nhắc, lạm quyền trong cách hành xử với người dân dây bức xúc dư luận như vụ cán bộ vào tận nhà dân bắt ép một phụ nữ làm xét nghiệm Covid-19.

“Những trường hợp nêu trên tuy không phải phổ biến nhưng đã tạo hình ảnh phản cảm, phần nào làm mất uy tín chính quyền”, đại biểu Hoa nhấn mạnh, đồng thời đánh giá cao thời gian qua một số địa phương đã xử lý cán bộ vi phạm trong phòng chống dịch.

Từ thực tế vừa qua, theo đại biểu Hoa, bài học rút ra là với bất cứ việc gì cũng cần tạo sự đồng thuận của người dân. Nếu người dân chưa hiểu thì cần giải thích, vận động, tuyên truyền, thuyết phục; Trong tình thế cấp thiết khi vi phạm đến mức nghiêm trọng hơn thì đã có biện pháp xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự. Chính quyền cơ sở cần tuyệt đối tránh việc xử lý và hành xử theo cảm tính, bất chấp quy định của pháp luật.

Đại biểu cũng nhấn mạnh bài học khi đưa ra quyết sách, biện pháp gì đều phải cân nhắc việc bảo đảm sức khỏe, tính mạng và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trên hết, trước hết. “Khi chính quyền đã đưa ra quyết sách đúng, vì lợi ích chung, hợp lòng dân thì dân luôn ủng hộ và chấp hành; Kể cả những việc khó khăn, gây bất tiện cho cuộc sống hàng ngày của họ”, đại biểu nói.

Huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhận định, nước ta đã tương đối kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng ta cũng hy sinh, mất mát quá nhiều. Để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới, đại biểu đề nghị xem lại thực trạng hệ thống y tế cơ sở.

Chỉ tiêu 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở phải được phân bổ thế nào để đáp ứng với quy mô dân cư chứ không chỉ phân chia về địa lý. Y tế cơ sở không chỉ cần đầu tư về ngân sách mà còn vấn đề về nhân lực; Phải thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao, có hiểu biết để hệ thống này hoạt động tốt. Việc sắp xếp tổ chức y tế cơ sở cũng cần tập trung hơn.

Từ năm 2006-2007, các trung tâm y tế của các quận, huyện được chia thành ba phần là bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và phòng y tế, dẫn đến có những bệnh viện chưa hoạt động hiệu quả, có những trung tâm y tế dự phòng rất yếu kém, phòng y tế chỉ làm được công việc hành chính. Hiện nay, tất cả các trung tâm y tế dự phòng, các bệnh viện thuộc quận, huyện trực thuộc Sở Y tế, điều này khiến Ủy ban Nhân dân các địa phương rất khó trong việc điều phối lực lượng hoặc xảy ra tình trạng người phụ trách về công tác y tế chỉ làm được về chức năng quản lý Nhà nước.

Cũng theo đại biểu, trong đại dịch Covid-19, chúng ta đã dành nguồn lực tối đa tập trung vào phòng, chống, cứu chữa bệnh nhân mắc Covid-19. Trong khi đó, lực lượng y tế tư nhân dường như đang bị "bỏ quên", nếu được huy động kịp thời, có cơ chế để tham gia phòng, chống dịch, chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả hơn rất nhiều.

Góp ý về chiến lược vắc xin Covid-19, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin trong nước để chủ động nguồn cung và tự chủ vắc xin, đảm bảo cung cấp cho người dân trong nước; Chỉ đạo triển khai hiệu quả chiến lược, chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống Covid-19 để đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả và phân bổ vắc xin hợp lý.

Đánh giá hiệu quả các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, đại biểu đề nghị tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư, mua sắm, chi phí cho phòng, chống dịch và các gói an sinh xã hội; Cương quyết xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật các trường hợp phát hiện có sai phạm.

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-van-con-mot-bo-phan-can-bo-co-so-lo-la-bi-dong-trong-phong-chong-dich-182369.html