Phao cứu sinh của người lao động
Sau hơn 11 năm triển khai bảo hiểm thất nghiệp (BHHTN) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, chính sách này đang được người lao động đón nhận, tham gia tích cực. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, toàn tỉnh hiện có 2.315 doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tham gia BHTN.
Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết chế độ BHTN cho 3.506 lao động với số tiền trên 38 tỷ đồng (tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, tỉ lệ lao động làm việc ngoài tỉnh về quê đăng ký hưởng BHTN chiếm hơn 76%.
Người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang
Nhằm đảm bảo phòng chống dịch Covid – 19, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ, người lao động khi đến giao dịch. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đẩy mạnh thu thập thông tin về thị trường lao động để nắm bắt, cập nhật tình hình biến động lao động, để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và cung cấp thông tin về thị trường lao động cho người sử dụng lao động, góp phần điều tiết thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.
Anh Lâm Đại Phương, công nhân tại Công ty TNHH Viet Nam Buwon, Bắc Ninh. Do dịch bệnh nên anh quyết định trở về quê tại Tuyên Quang để chờ qua dịch sẽ tìm công việc mới. Sau khi chốt sổ bảo hiểm xã hội, anh đến Văn phòng giải quyết BHTN tại huyện Sơn Dương để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Số tiền trợ cấp anh được hơn 4 triệu đồng/tháng, thời gian hưởng 7 tháng đã giúp anh trang trải phần nào cuộc sống hiện tại. Ngoài ra, qua tìm hiểu anh quyết định đăng ký học nghề lái xe hạng C tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Phú Thọ do Trung tâm giới thiệu. Thời gian học nghề 5 tháng, tiền học nghề anh được hỗ trợ 70%. Sau khi học nghề, anh được Trung tâm giới thiệu đến Công ty TNHH Giày Chung Jye (Sơn Dương) làm việc theo chuyên môn.
Anh Phương chia sẻ, trong lúc chờ hết dịch bệnh và tìm công việc mới, không có thu nhập, BHTN thực sự là “phao cứu sinh” cho anh và gia đình lúc khó khăn này.
Kết nối thị trường lao động
Cùng với đó, Trung tâm việc làm Tuyên Quang đã áp dụng nhiều biện pháp thiết thực để đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp trong suốt quá trình hưởng trợ cấp.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang cũng đã tổ chức tư vấn, giới thiệu về việc làm cho 11.041 lao động. Đáng chú ý, vừa qua, 11 trung tâm dịch vụ việc làm của các địa phương gồm Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng và Hà Giang đã phối hợp tổ chức kết nối phiên giao dịch việc làm trực tuyến.
Phiên giao dịch đã thu hút 95 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng lên đến 29.077 lao động, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông tập trung trong các ngành nghề: điện tử, may mặc… Qua các phiên giao dịch việc làm trực tuyến như trên cũng như các phiên giao dịch việc làm trực tuyến riêng biệt tại từng địa phương đã góp phần hỗ trợ tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp duy trì, khôi phục sản xuất trong trạng thái bình thường mới.
Giờ thực hành của lớp Sơ cấp nghề hàn tại Tuyên Quang
Bên cạnh đó, nhằm tập trung nguồn lực thực hiện “mục tiêu kép”, tạo nhiều việc làm mới cho người lao động, mới đây, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 155/KH-UBND về việc thực hiện “Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, sử dụng hiệu quả thời gian lao động để nâng cao năng suất lao động; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu lao động góp phần xây dựng nông thôn mới; tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân đi đôi với giảm nghèo bền vững, giáo dục nghề nghiệp gắn với tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo kế hoạch này, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 30% và đến năm 2030 tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ khoảng 40%; 100% học viên tham gia đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có các kỹ năng công nghệ thông tin.
Cùng với đó, tỉnh cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 45% và đến năm 2030, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 60%; trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5,5% lực lượng lao động trong độ tuổi vào năm 2025 và chiếm khoảng 7,5% vào năm 2030.
Đồng thời, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 và năm 2030, có 100% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông được hướng nghiệp. Toàn tỉnh đến năm 2025, có 25% và năm 2030 có 30% lao động được Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm có việc làm.
Quang Minh - TTTĐ