Dấu hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế Thủ đô

11/03/2022 18:46

Kinhte&Xahoi Chiều 11-3, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã chủ trì Hội nghị giao ban công tác tháng 3-2022.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông; các Phó Chủ tịch UBND thành phố: Dương Đức Tuấn, Hà Minh Hải, Chử Xuân Dũng và lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn dự hội nghị tại điểm cầu địa phương.

Các chỉ số sản xuất và tiêu dùng đều tăng mạnh

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, bên cạnh những điểm sáng về kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị hội nghị bám sát thực tế, tập trung thảo luận, tham mưu UBND thành phố tăng cường công tác chỉ đạo; làm rõ thêm các nút thắt, hạn chế, khó khăn để có biện pháp tháo gỡ nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương trong năm 2022...

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố 2 tháng đầu năm 2022 ước đạt 69,1 nghìn tỷ đồng, đạt 22,6% dự toán, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu nội địa đạt hơn 64,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn báo cáo tại hội nghị.

Hầu hết chỉ số sản xuất và tiêu dùng tháng 2 giảm so với tháng 1 do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. “Tuy nhiên, so với cùng kỳ, các chỉ số đều tăng mạnh, cho thấy dấu hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế”, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm 2022 ước tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021; đa số các ngành sản xuất chế biến, chế tạo tăng so với cùng kỳ năm trước, một số ngành đạt mức tăng cao, như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 20,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 49,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11,9%...

Đồng chí Vũ Duy Tuấn cho biết, xuất, nhập khẩu hàng hóa phục hồi mạnh so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu lũy kế 2 tháng đầu năm 2022 đạt 2.671 triệu USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng qua đạt 109,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so cùng kỳ, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 73,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so cùng kỳ. Ngành Du lịch mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng đã có dấu hiệu phục hồi tích cực. Khách quốc tế đến Hà Nội tháng 2 đầu năm 2022 tăng 25,2%, khách trong nước đến Hà Nội tăng 37,3%.

Về kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, đến ngày 10-3, toàn thành phố giải ngân được hơn 2.638 tỷ đồng, đạt 5,1% kế hoạch vốn thành phố giao. Trong đó, nguồn ngân sách cấp thành phố giải ngân được gần 903 tỷ đồng (tương đương 5% kế hoạch), nguồn ngân sách cấp huyện (bao gồm cả ngân sách thành phố hỗ trợ) giải ngân được hơn 1.705 tỷ đồng (tương đương 6,34% kế hoạch).

Thực hiện Chương trình hành động số 02/CTr-UBND của UBND thành phố về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, đến nay, có 22 sở, ban, ngành và 11 UBND quận, huyện, thị xã đã ban hành các kế hoạch, chương trình để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao và cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương mình. Trong quý I-2022, với 70 nhiệm vụ, đã có 9 nhiệm vụ hoàn thành, 41 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện.

Triển khai các giải pháp kiểm soát lạm phát

Về nhiệm vụ trọng tâm tháng 3-2022, UBND thành phố ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ. Đồng thời, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, các đề án, nhiệm vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040; Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Quang cảnh hôi nghị.

UBND thành phố cũng báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết về kế hoạch hỗ trợ đầu tư cho cấp huyện để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đối với 3 lĩnh vực: Giáo dục, y tế, di tích.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã đề ra theo các nghị quyết, kết luận, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố, bám sát các nội dung chỉ đạo tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng, UBND thành phố tập trung triển khai các giải pháp kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Triển khai việc giảm thuế giá trị gia tăng; huy động các nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng tín dụng, giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân.

Đồng thời, thành phố cũng hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết, hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc thông qua tăng cường các hoạt động giới thiệu việc làm, kết nối cung cầu lao động. Thúc đẩy các hoạt động sản xuất công nghiệp; bảo đảm cung cầu hàng hóa trên thị trường, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung.

Thành phố cũng tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội xuân gắn với an toàn phòng, chống dịch Covid-19; tập trung công tác chuẩn bị phục vụ tổ chức SEA Games 31; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, tăng cường đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; chủ động phòng ngừa cháy, nổ, nhất là tại các lễ hội, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu dân cư.

Tiến Thành - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1026717/dau-hieu-phuc-hoi-tich-cuc-cua-nen-kinh-te-thu-do?