Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến:
Tăng cường giám sát quy trình tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh
Toàn thành phố hiện có gần 1.800 trường học tổ chức bán trú, bao gồm các trường mầm non, phần lớn các trường tiểu học và một số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông. Hằng ngày, các trường phục vụ trung bình gần 1 triệu học sinh ăn bán trú. Về cơ bản, các nhà trường đều thực hiện đúng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, thường xuyên rà soát, bổ sung các điều kiện tổ chức bữa ăn bán trú. Bước vào những tuần cuối cùng của năm học 2023-2024, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình tổ chức bữa ăn bán trú. Sự tham gia giám sát của cha mẹ học sinh ở các trường cũng góp phần quan trọng, bảo đảm để học sinh hoàn thành chương trình năm học với sức khỏe tốt. Từ hiện tượng ở một vài nơi để xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo, các trường nghiêm khắc rút kinh nghiệm, rà soát toàn bộ quy trình tổ chức bữa ăn bán trú, đặc biệt quan tâm nguồn gốc và khâu chế biến thực phẩm, quyết tâm không để xảy ra hiện tượng tương tự trong thời gian còn lại của năm học.
Trưởng phòng Y tế huyện Đông Anh Nguyễn Thành Luân:
Tập trung truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại cơ sở cung cấp
Bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, nhất là bếp ăn trường học là vấn đề liên quan trực tiếp đến bảo vệ sức khỏe học sinh và luôn nhận được sự quan tâm của xã hội cũng như các bậc phụ huynh nên huyện Đông Anh tập trung chỉ đạo huy động sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền. Trong “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2023”, huyện đã thành lập 30 đoàn kiểm tra liên ngành với 6 đoàn tuyến huyện, 24 đoàn tuyến xã, thị trấn. Là huyện cung cấp số lượng lớn rau, củ, quả cho nhiều bếp ăn tập thể nên Phòng y tế đã chủ động tham mưu lãnh đạo huyện tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm, nhất là tại bếp ăn trường học. Đặc biệt, phải đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại cơ sở chuyên cung cấp rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống cho các suất ăn bếp ăn tập thể số lượng lớn. Tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, vệ sinh cơ sở, vệ sinh dụng cụ, vệ sinh cá nhân, nguồn gốc nguyên liệu đưa vào sản xuất... Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định an ninh, an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm, hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức Lê Văn Thăng:
Các trường nêu cao vai trò của tổ tự giám sát
Hằng năm Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức luôn chủ động triển khai công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt trong “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm”. Các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe, hoạt động ngoại khóa để tìm hiểu kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm… được tổ chức thường xuyên, liên tục tại tất cả các cấp học. Phòng cũng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định; phối hợp với các đoàn kiểm tra, giám sát truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu để phát hiện kịp thời nguy cơ ô nhiễm thực phẩm nhằm khống chế ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm. Ngoài ra, Phòng cũng yêu cầu các trường thành lập các đoàn kiểm tra, với sự tham gia của ban giám hiệu nhà trường, ban phụ huynh học sinh để thường xuyên giám sát, kiểm tra chất lượng thực phẩm đưa vào chế biến thức ăn tại nhà trường. Để học sinh có bữa ăn an toàn, bảo đảm đủ dinh dưỡng, các trường nêu cao vai trò của tổ tự giám sát. Đối với nguyên liệu thực phẩm đầu vào, phải có hồ sơ giao nhận, có biên bản ký giao nhận và có sự tham gia giám sát của ban phụ huynh học sinh nhằm bảo đảm tốt nhất an toàn thực phẩm.
Bà Lê Thị Hồng Hạnh, chung cư Hope Residence, phường Phúc Đồng, quận Long Biên:
Cần đầu tư để bếp ăn trường học “đạt chuẩn”
Ngộ độc thực phẩm luôn là nỗi lo của nhiều gia đình và các bậc phụ huynh. Đặc biệt là sau nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tại các trường học ở một số tỉnh, thành phố xảy ra thời gian qua cho thấy, bếp ăn tập thể vẫn chưa được các trường chú trọng và tồn tại nhiều hạn chế. Hiện nay, để bảo đảm chương trình học, hầu hết các trường đều phải tổ chức học bán trú, do đó việc tổ chức bếp ăn trường học là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, điều kiện, cơ sở vật chất của mỗi trường là khác nhau, do đó việc tổ chức bếp ăn bán trú là thuận lợi với nhiều trường này, song lại là vấn đề khó khăn với các trường khác. Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm với các bếp ăn trường học, hai yếu tố tiên quyết cần đặc biệt quan tâm, đó là nguồn gốc thực phẩm và quy trình chế biến. Do đó, bên cạnh việc lựa chọn nhà cung cấp uy tín, bảo đảm lương thực, thực phẩm có xuất xứ rõ ràng… thì các trường cần phải đặc biệt quan tâm, giám sát quy trình chế biến thức ăn. Có thể thực phẩm tươi ngon, đáp ứng các tiêu chí cụ thể về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng quy trình chế biến không bảo đảm thì bữa ăn chắc chắn sẽ vẫn có vấn đề. Vì vậy, trước tiên các trường cần đầu tư cơ sở vật chất, đồ dùng, dụng cụ cho bếp ăn trường học “đạt chuẩn”, tạo điều kiện cho các nhân viên nhà bếp chế biến món ăn vừa ngon miệng, vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trường hợp phát hiện khâu chế biến không đạt chuẩn, cần xử lý nghiêm, thậm chí sa thải để bảo đảm bếp ăn trường học phải thật sự là địa chỉ tin cậy về chăm sóc sức khỏe thể chất cho học sinh.
Nhóm PV - Hà Nội mới