Tại phiên họp Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề: Công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo; hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng; phát triển cơ khí chế tạo trong nước, tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn. Ảnh VGP
Trước hết, năm 2020, hoàn thành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch Điện VIII) và Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch bảo đảm phát triển cân đối giữa các vùng, miền, cân đối giữa nguồn và phụ tải; rà soát, xử lý vấn đề phát sinh trong quy hoạch, vận hành các dự án điện, điện khí, mặt trời, điện gió;
Huy động các nguồn lực, giải pháp về công nghệ để xây dựng hệ thống truyền tải điện, nâng cấp trạm biến áp, tăng cường đầu tư hệ thống truyền tải để giải tỏa nguồn điện; nghiên cứu cơ chế mới để huy động nguồn xã hội hóa cho việc xây dựng hệ thống truyền tải điện;
Tiếp tục mở rộng thị trường cạnh tranh bán buôn điện, thí điểm để các nhà máy điện gió và mặt trời bán điện trực tiếp cho khách hàng mua điện tiến tới hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2023.
Tiếp tục huy động nguồn lực triển khai Đề án điện nông thôn, miền núi, hải đảo; nghiên cứu sửa đổi cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ bình quân, sửa đổi quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; rà soát, đẩy nhanh tiến độ, xử lý các tồn tại, phát sinh của các công trình, các dự án điện trọng điểm như đối với dự án điện Bạc Liêu, Long Phú, Ô Môn, Thái Bình 2 và các dự án điện khác đã được đại biểu Quốc hội chất vấn để đảm bản nhu cầu sử dụng điện trong năm 2020 và các năm tiếp theo, bảo đảm an ninh năng lượng, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt điện cho sản xuất, kinh doanh.
Nguy cơ gian lận thương mại còn rất lớn
Trả lời tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, để thực hiện cơ chế phòng vệ thương mại, hiện đã có danh mục 25 mặt hàng cảnh báo có nguy cơ có gian lận thương mại trong thương mại với Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
Tại sao chỉ có đưa ra 25 mặt hàng có nguy cơ này? Bởi chúng ta chưa có cơ sở, cần các cơ quan chức năng giám sát và kiểm tra thực tế trong các hoạt động thương mại quốc tế thì mới có thể phát hiện những hoạt động gian lận này.
Việc ngăn chặn các hoạt động gian lận này ngay từ trong các hoạt động đầu tư là rất khó thực hiện để vừa đảm bảo môi trường đầu tư, vừa đảm bảo được hiệu quả trong chính sách về xử lý gian lận thương mại.
Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần sự phối hợp và vào cuộc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng để hướng dẫn cho các địa phương trong giám sát đầu tư thực hiện chuyển tải bất hợp pháp chính.
Việc lợi dụng gian lận thương mại trong thương mại quốc tế đã có một số trường hợp, nguy cơ còn rất lớn, nguy cơ này đã hiện hữu. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Đề án 804 đưa ra hàng loạt loạt các biện pháp khác, cũng như biện pháp phối hợp với các nước đối tác để kiểm soát. “Chúng ta không bị động và đang triển khai quyết liệt”, Bộ trưởng khẳng định.