Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Thủy Tiên
Thúc đẩy tăng trưởng các nhóm ngành quan trọng
Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 ước tính tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,4% và tăng 16,8%. Lũy kế 8 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (8 tháng năm 2021 tăng 6,3%). Cùng với đó, hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn Hà Nội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng ước tính đạt 451,3 nghìn tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch đến Hà Nội 8 tháng đạt 1.433 nghìn lượt khách, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước, hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu đón khách du lịch năm 2022 do TP giao đầu năm qua đó đã tạo đà tích cực cho sự phục hồi ngành thương mại, dịch vụ.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 11,1 tỷ USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… tiếp tục phát triển. Cân đối thu - chi ngân sách được bảo đảm với tổng thu ngân sách trên địa bàn 8 tháng năm 2022 ước thực hiện 223,1 nghìn tỷ đồng, đạt 71,6% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong bối cảnh giá cả thế giới vẫn tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Hà Nội giảm nhẹ 0,1% so với tháng trước. CPI bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 3,37% so với bình quân 8 tháng năm 2021.
Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, tình hình hồi phục sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trong 8 tháng tiếp tục có kết quả tích cực nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và sự quan tâm, chỉ đạo, điều hành của TP trong việc giảm giá bán lẻ xăng, dầu; bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu; kiềm chế lạm phát, đảm bảo cung ứng hàng hóa trên thị trường. TP yêu cầu các đơn vị tập trung đầu tư nguồn lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách, đặt ra lộ trình tăng tốc phát triển trong những tháng cuối năm.
Sở Công Thương Hà Nội cũng cho hay, tính cả năm 2022 sẽ triển khai 30 chương trình, sự kiện kích cầu tiêu dùng hàng hóa, tiếp tục tháo gỡ khó khăn về thương mại cho các DN trên địa bàn. Tổ chức nhiều chương trình như: Chương trình giảm giá, khuyến mại lên tới 100% đã diễn ra từ tháng 4, trọng tâm vào các tháng 5, 7, 11/2022. Tăng cường các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương trực tuyến… đẩy mạnh hoạt động giao thương kết nối DN trong nước với các đối tác nước ngoài…
Sản xuất tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông
Tập trung đầu tư nguồn lực, nỗ lực giải ngân đúng tiến độ
8 tháng năm 2022, Hà Nội thu hút 992,3 triệu USD vốn FDI, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 226 dự án mới với số vốn đạt 141,3 triệu USD, tăng 19,4%; 122 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 374,6 triệu USD, tăng 16%... TP thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký DN cho hơn 20.000 DN thành lập mới, (tăng 22% so với cùng kỳ năm trước) với vốn đăng ký đạt 226 nghìn tỷ đồng, tăng 2%. Có 7,8 nghìn DN hoạt động trở lại, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
8 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách đạt 27,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 54,7% kế hoạch năm 2022. Để tăng tốc phát triển kinh tế; Hà Nội tập trung quyết liệt giải ngân đầu tư công, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 kéo dài sang năm 2022; hoàn thành cao nhất giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, đảm bảo mục tiêu, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn theo đúng quy định pháp luật. Trong đó đặc biệt quan tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc.
Hiện nay, toàn bộ dự án đường Vành đai 2 trên cao đang gấp rút hoàn thành để đảm bảo tiến độ, dự kiến hoàn thành toàn bộ phần đường trên cao trong năm 2023; Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2): Đến nay, đã giải ngân được 51,1% kế hoạch vốn, dự án đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trụ cầu giữa lòng sông, phấn đấu hoàn thành trước mùa lũ năm nay.
Dự kiến thời gian hoàn thành toàn dự án vào tháng 6/2023; Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội đang triển khai ở giai đoạn 1, kết quả giải ngân đạt 38,7% kế hoạch vốn. Dự kiến thời gian hoàn thành toàn dự án vào năm 2024; Dự án Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 – một trong 6 dự án giao thông trọng điểm của TP hiện nay, các công nhân đang gấp rút, đẩy nhanh tốc độ thi công để hoàn thành theo đúng dự kiến vào tháng 10/2022.
Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; yêu cầu các quận, huyện, thị xã thực hiện quyết liệt các giải pháp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư. Xác định đây là những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Gấp rút xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Ảnh: Phạm Công
Cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều thách thức. Các yếu tố gây khó khăn, bất lợi như: Dịch bệnh còn phức tạp, từ đầu tháng 8 đến nay số người nhiễm Covid-19 trên địa bàn Hà Nội có chiều hướng gia tăng trở lại, khan hiếm nguồn nguyên liệu cho sản xuất một số ngành công nghiệp, giá các loại vật liệu xây dựng có sự biến động lớn…
Để tập trung thực hiện ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch năm 2022. Trong thời gian tới, TP sẽ triển khai quyết liệt, kịp thời kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân, DN (TP sẽ tiếp tục bố trí 1.000 tỷ đồng từ ngân sách để ủy thác qua Ngân hàng Chính sách, nâng tổng nguồn ngân sách TP ủy thác là 6.600 tỷ đồng;
Triển khai đồng bộ các giải pháp để DN, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn, thực hiện tốt Chương trình kết nối Ngân hàng - DN. Tiếp tục thực hiện Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa giai đoạn 2021 -2025, Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP giai đoạn 2019 - 2025, chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động…).
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai đồng bộ hệ thống báo cáo điện tử và hệ thống văn phòng điện tử dùng chung trên địa bàn TP; tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, từng bước hình thành chính quyền số, phát triển đô thị thông minh. Đồng thời, TP tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách pháp luật đến người dân và cộng đồng DN, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội với phương châm 5 bước "biết, hiểu, đồng thuận, tự nguyện và lan tỏa"…
Để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững hơn nữa, là đầu tàu kinh tế của đất nước, Hà Nội đã đi đúng hướng là ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; cải cách thể chế và cải cách hành chính; thu hút nhân tài..., hội nhập quốc tế, phát triển đồng bộ các thị trường tài chính. Vai trò dẫn dắt của Hà Nội cũng sẽ được phát huy để tạo động lực của đầu tư công kết hợp với khuyến khích, phát huy các nguồn vốn từ khu vực tư nhân, khu vực đầu tư nước ngoài, các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế…
PGS.TS Trần Đình Thiên |
Thảo Nguyên - KTĐT