Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội dành cả ngày 08/11 để thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Tham gia thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đòan ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho biết, qua theo dõi các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động đấu thầu thời gian qua, có 5 chiêu trò phổ biến để lách luật trong hoạt động đấu thầu.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đòan ĐBQH tỉnh Bắc Kạn)
Cụ thể, đại biểu cho biết, 5 chiêu trò phổ biến được sử dụng để lách luật trong hoạt động đấu thầu là: chia nhỏ gói thầu; cài cắm các điều khoản để chèn thầu quen; thiết lập liên minh quân xanh, quân đỏ để thông thầu; móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống gói thầu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực khác trong hoạt động đấu thầu.
Đại biểu kiến nghị các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử hướng hoạt động vào mảng đấu thầu, nhất là với các sự việc dư luận có nhiều phản ánh để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm.
Nhấn mạnh công khai là giải pháp của mọi giải pháp, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, đảm bảo thực hiện chặt chẽ 6 công khai trong đấu thầu, bao gồm công khai về điều kiện dự thầu; danh sách, năng lực của nhà thầu; điều kiện trúng thầu; quá trình chấm thầu; kết quả chấm thầu; kết quả giải quyết khiếu nại của nhà thầu.
ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa)
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn bày tỏ tán thành với các Báo cáo về những kết quả đạt được trong năm qua cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới…
Đại biểu đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, cụ thể là tăng cường thực thi pháp luật và xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất bất hợp pháp.
Theo đại biểu Hoàn, cũng giống như các hành vi phạm tội thông thường, dưới góc độ kinh tế, việc sử dụng đất trái pháp luật có thể hiểu là những hành vi kinh tế dựa trên quy dựa trên vấn đề quyết định về chi phí và lợi ích của những người vi phạm pháp luật, đạt được những lợi ích bất hợp pháp và những giá trị nhất định thông qua những hành động vi phạm pháp luật của họ, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và các thành viên khác trong xã hội.
Tất nhiên, họ cũng phải trả chi phí nhất định, bao gồm thời gian, sự chuẩn bị, những lợi ích có thể có khi từ bỏ việc chấp hành pháp luật và các chế tài pháp lý họ có thể phải chịu sau khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, theo đuổi lợi ích rất lớn thu được từ đất đai của các tổ chức và cá nhân có liên quan.
Quang Vũ - Pháp luật Plus