Đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về chứng khoán, trái phiếu để có giải pháp phù hợp

11/10/2022 14:46

Kinhte&Xahoi Tiếp tục chương trình phiên họp 16, sáng 11/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Theo báo cáo của Chính phủ, cả năm dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao.

Cụ thể, vượt 6 chỉ tiêu đề ra, về tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Thu ngân sách nhà nước ước cả năm vượt 14,3% so với dự toán, tạo dư địa trong điều hành tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng, ổn định và nâng cao đời sống người dân...Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng nhìn nhận các thị trường vốn, bất động sản vừa qua phát triển mạnh nhưng tiềm ẩn rủi ro.

Với tín dụng bất động sản, thị trường chứng khoán gần đây biến động lớn, các mã cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản giảm mạnh, ảnh hưởng tới giá trị tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp tại một số tổ chức tín dụng.

Toàn cảnh phiên họp

Thị trường bất động sản biến động mạnh, tình trạng thổi giá, gây sốt ảo bất động sản, đấu giá đất với giá cao bất thường… ảnh hưởng tới cấp tín dụng, định giá tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng thị trường chứng khoán có tốc độ tăng trưởng nhanh, là kênh huy động vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế, song biến động và tiềm ẩn rủi ro.

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được mở rộng nhưng có giai đoạn tăng nóng, cơ cấu thị trường còn thiếu cân đối, chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa cao. Thị trường này cũng tồn tại hiện tượng sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần có đánh giá thận trọng, chính xác về mức độ ảnh hưởng, để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, vốn.

Có ý cho rằng điều hành, quản lý nhà nước đối với các thị trường này còn "chuyển trạng thái đột ngột", có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.

Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, năm 2022, Quốc hội, Chính phủ cùng với các cấp, các ngành đã thực hiện các giải pháp, trong đó có nhiều nội dung Quốc hội đã chủ động, kịp thời cùng với Chính phủ thực hiện giải quyết những vẫn đề cấp bách trong đời sống, kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì trong Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ hơn về một số vấn đề còn khó khăn, tồn tại cũng như một số vấn đề cần thực hiện, giải quyết.

Ví dụ như Quốc hội cần đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành; một số vấn đề lớn liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; tình trạng nghỉ việc trong công chức, viên chức có dấu hiệu cảnh báo…

Ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh đây là những vấn đề người dân hết sức quan tâm nên cần được đưa vào trong báo cáo của Chính phủ.

 Anh Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/de-nghi-chinh-phu-danh-gia-ky-hon-ve-chung-khoan-trai-phieu-de-co-giai-phap-phu-hop-207753.html