Đề nghị xử lý nghiêm việc thổi phồng chất lượng sản phẩm và nghệ sỹ tham gia quảng cáo

04/11/2022 11:13

Kinhte&Xahoi Tại Kỳ họp Quốc hội khóa XV, ĐBQH đã có ý kiến về việc cần xem xét trách nhiệm của nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo sản phẩm vi phạm.

Theo nội dung chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vào ngày 2/11/2022 các Đại biểu quốc hội (gọi tắt là ĐBQH) đã cùng thảo luận tại tổ về Dự án Luật bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi).

ĐBQH Đỗ Huy Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. (ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai)

Tại chương trình, các ĐBQH đã chỉ ra thực trạng về trường hợp hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng có ảnh hưởng xã hội tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng thổi phồng công dụng nhưng khi các sản phẩm này được xác định là vi phạm thì các nghệ sĩ chỉ xin lỗi là xong, coi như không có chuyện gì xảy ra.

Theo ý kiến của ĐBQH Đỗ Huy Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, ông quan tâm đến Điều 18 về "xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng". Ông cho rằng ý này rất chung chung và nên chăng cần làm rõ hay không bởi thực tế khi người tiêu dùng mua sản phẩm kém chất lượng thì cần có chế tài mạnh.

Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Again Beauty của Công ty CP Thịnh Tâm Đường.

Cụ thể, ĐBQH Đỗ Huy Khánh cho rằng có nhiều trường hợp liên quan đến thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh chữa "bách bệnh" được các nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo, bán hàng trên mạng rùm beng. Tuy nhiên khi cơ quan chức năng điều tra thì các sản phẩm này không có chức năng như vậy. Nghệ sĩ bị ảnh hưởng uy tín và chỉ xin lỗi là xong, coi như không có chuyện gì xảy ra. Vậy nên, cần xem xét việc xử lý những nghệ sĩ đó như thế nào để không tái diễn nữa.

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm thì Công ty Cổ phần Thịnh Tâm Đường (địa chỉ: số 16A, ngách 61, ngõ 230 phố Định Công Thượng, phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) đã từng 6 lần bị xử phạt về hành vi vi phạm quy định về quảng cáo với tổng số tiền là 240 triệu đồng.
 

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã đưa ra cảnh báo về việc sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Again Beauty do Công ty Cổ phần Thịnh Tâm Đường (địa chỉ: số 16A, ngách 61, ngõ 230 phố Định Công Thượng, phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm đang được quảng cáo với nội dung vi phạm quy định pháp luật trên mạng.

Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/ và cổng công khai y tế tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các đường link nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm.

Trước đó, theo thông tin báo chí đã đăng tải thì những chuyên gia, người nổi tiếng như: ông N. D. H. - Hội Da liễu Việt Nam; Ca sĩ Đan Tr., diễn viên Phương O.,… đã có nhiều ý kiến khen ngợi sản phẩm Again Beauty.

Ca sĩ Đan Tr. và Diễn viên Phương O.  được cho là dành nhiều lời khen về công dụng của sản phẩm Again Beauty.

Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 và Điều 13 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về Các hành vi bị cấm như sau:

“1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây: a) Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Điều 13. Trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng

1. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba có trách nhiệm:

a) Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp;

b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp chứng cứ chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ;

c) Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ;

d) Tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, pháp luật về quảng cáo.”

Như vậy trường hợp các nghệ sĩ nổi tiếng, chuyên gia có thể xem là bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Theo đó, ngoài xem xét trách nhiệm của đơn vị cung cấp sản phẩm thì cần xem xét trách nhiệm của nghệ sĩ nổi tiếng, chuyên gia trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng.

Theo quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 5 điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo như sau:

“Điều 34. Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định;

5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định này.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 đến 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 4, khoản 5 Điều này trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này;

b) Buộc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 3, điểm a khoản 4 Điều này;

c) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này.” 

Hiếu Nguyễn - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/de-nghi-xu-ly-nghiem-viec-thoi-phong-chat-luong-san-pham-va-nghe-sy-tham-gia-quang-cao-d186137.html