Đề phòng nguy cơ cháy nổ do thắp nhang, đốt vàng mã dịp lễ Vu Lan

03/08/2022 20:48

Kinhte&Xahoi Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đặc biệt, hiện đang là mùa Vu Lan, các gia đình sẽ thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã nên nguy cơ cháy, nổ sẽ cao hơn. Do đó, mọi người cần nâng cao ý thức phòng ngừa hỏa hoạn.

Nơm nớp ''bà hỏa" ghé thăm do đốt vàng mã

 Lễ Vu Lan (rằm tháng 7) là thời điểm mà việc thắp hương nến, đốt vàng mã của người dân tăng cao. Tục lệ này không còn ở trong phạm vi cúng giỗ ở gia đình và đền chùa mà còn ở các cơ quan, tổ chức kinh doanh, trở thành một nghi thức không thể thiếu. Tuy nhiên, việc thắp hương, nến, đốt vàng mã không cẩn trọng sẽ có nguy cơ xảy ra cháy gây thiệt hại khó lường.

Lễ Vu Lan (rằm tháng 7) là thời điểm mà việc thắp hương nến, đốt vàng mã của người dân tăng cao

Trên thực tế, thời gian qua đã có không ít những vụ hỏa hoạn xảy ra, mà nguyên nhân chính là do đốt vàng mã vô ý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đơn cử như vụ hỏa hoạn ngày 4/2/2021, một đám cháy phố Tam Khương (phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) đã làm 4 người thiệt mạng. Nguyên nhân ban đầu được xác định liên quan đến việc đốt vàng mã.

Cũng vào dịp lễ Vu Lan năm 2016, chính tàn lửa vàng mã bay vào xe bồn chứa xăng, ngọn lửa bùng lên đốt cháy 23.000 lít xăng và gây cháy một phần cây xăng Ka Long ở thành phố Móng Cái, Quảng Ninh. Đây chỉ hai trong số rất nhiều vụ hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng có liên quan đến đốt vàng mã.

Việc đốt vàng mã là một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam và trở thành tập tục không thể thiếu trong nhiều gia đình hiện nay. Theo thống kê, hàng năm, nước ta sử dụng đến 40.000-50.000 tấn vàng mã. Phần nhiều là tập trung trong dịp cuối năm. Quan sát trên phố Hàng Mã (Hà Nội) những ngày này khá đông người đến mua đồ mã, sức mua năm nay không giảm nhiều bởi nhu cầu vàng mã nhà nào cũng cần. Càng nhiều vàng mã được mua, thì đốt lại càng nhiều, như vậy nguy cơ cháy cũng tăng cao hơn.

Thực tế cho thấy, có muôn kiểu đốt vàng mã, phụ thuộc vào không gian, điều kiện của mỗi gia đình. Phổ biến nhất là hóa vàng trước cửa nhà, ngoài đường, ngoài vỉa hè… Nguy hiểm là khi ngọn lửa rất gần phương tiện xe máy, ô tô, bốt điện. Khi lửa chưa tàn, cũng không còn người ở lại... Thực tế đã ghi nhận rất nhiều vụ cháy xảy ra do sự sơ suất, bất cẩn của người dân, gây hậu quả lớn.

Quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân

 Tục lệ đốt vàng mã đã có từ lâu đời, nhiều người cho đó là một trong những nét đẹp văn hoá của phong tục thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên, người dân cần cẩn trọng việc thắp hương, nến thờ cúng và hóa vàng. Khi có nhu cầu thắp hương thờ cúng để phục vụ cho việc hành lễ, cúng, tế, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt về an toàn phòng cháy chữa cháy như thắp hương cách xa trần nhà, xa các vật dụng dễ cháy và phải có người trông coi.

Người dân không nên đốt quá nhiều vàng mã, nhất là các loại vàng mã lớn, như nhà, xe ô tô… để tránh nguy cơ gây hỏa hoạn. Người dân nên đốt vàng mã ở nơi ít người qua lại, cách xa các vật liệu dễ cháy.

Khi đốt vàng mã, phải sử dụng thùng kim loại (sắt, inox) có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh, đồng thời phải chờ vàng mã cháy hết, dùng nước vẩy lên tro, đề phòng cháy ngún. Người dân tuyệt đối không đốt vàng mã ở những nơi cấm như chợ, trung tâm thương mại, nơi có vật liệu dễ cháy…


Khi đốt vàng mã, người dân phải sử dụng thùng kim loại (sắt, inox) có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh

Đặc biệt, bàn thờ phải làm bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy và có vách ngăn chống cháy lan sang khu vực xung quanh. Tại các hộ gia đình, doanh nghiệp, người dân nên đặt bàn thờ tại nơi không có vật liệu dễ cháy, khi rời khỏi nhà phải tắt hết hương đèn. Tại các chợ, phải có khu vực riêng cho việc đốt hương, thờ cúng của tiểu thương.

Để hạn chế thấp nhất nguy cơ hỏa hoạn, quan trọng vẫn là công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở đối với công tác phòng cháy chữa cháy. Các lực lượng chức năng cần tổ chức tốt công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, chủ động lực lượng và phương tiện để kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ ngay từ khi mới phát sinh.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nâng cao ý thức về phòng cháy chữa cháy và thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy chữa cháy. Mỗi hộ gia đình hãy chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra, dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như ban công, lô gia, sân thượng, lên mái, sang nhà bên cạnh.

Khi xảy ra cháy trong hộ gia đình, hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả mọi người trong nhà biết để mau chóng di chuyển ra ngoài. Khi thoát qua khu vực có khói, lửa hãy dùng khăn mềm thấm nước hoặc mặt nạ phòng độc, để che chắn mặt, cơ thể; Tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh…; Đồng thời báo ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy theo số máy miễn phí 114.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/de-phong-nguy-co-chay-no-do-thap-nhang-dot-vang-ma-dip-le-vu-lan-202607.html