Đề xuất chính sách ưu đãi để cải tạo nhà ở cũ trong Luật Thủ đô

12/04/2022 19:58

Kinhte&Xahoi Ngày 12/4, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học về một số chính sách liên quan đến phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, liên kết, phát triển vùng Thủ đô. Đây là các vấn đề đặt ra trong xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Hai nhóm Chính sách được đưa ra tọa đàm là: “Phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường của Thủ đô” và “Liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm”.

Tham gia tọa đàm có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thuộc các cơ quan T.Ư, bộ, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội.

Quang cảnh tọa đàm

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích, dự báo tác động tích cực, tiêu cực của chính sách đề xuất trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan đến hai nội dung này.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh đánh giá, chính sách “Phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường của Thủ đô” là chính sách lớn, sâu rộng. Trong đó, liên quan quản lý biệt thự cũ, nhà trong khu vực nội đô lịch sử, danh mục biệt thự cũ của Hà Nội có hơn 1.200 nhà. Qua rà soát, Sở Xây dựng đề xuất 2 giải pháp, trong đó, có giải pháp được phép bán, cho thuê một số nhà cũ nằm trong danh mục 292 nhà phải bảo tồn.

Trong đó, loại 1 có 48 nhà có giá trị lịch sử, văn hóa, cần phải bảo tồn nguyên trạng; loại 2 gồm 140 nhà có giá trị lịch sử cần bảo tồn, có khả năng bán, trong đó, người dân phải cam kết toàn bộ kiến trúc mặt tiền, kết cấu quan trọng phải bảo tồn. Loại 3 có 104 nhà nằm trong phố cổ, cũ, chất lượng kém, có thể bán cho hộ đang thuê để họ có cơ sơ tôn tạo, chỉnh trang lại.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh đánh giá, chính sách “Phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường của Thủ đô” là chính sách lớn, sâu rộng

“Ngoài ra, rất nhiều nhà sở hữu của người dân đang xuống cấp, trong khi người dân không có cơ chế, nguồn lực để cải tạo, chỉnh trang, do đó, cần phải có nguồn lực hỗ trợ người dân chỉnh sửa, cải tạo...” - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, các ý kiến cho rằng, các đề xuất chính sách ưu đãi để cải tạo, xây dựng, bảo tồn biệt thự, nhà ở cũ trong khu vực nội đô lịch sử là rất cần thiết. Có những biệt thự cũ có đến 10 hộ dân ở, làm sao để người dân không cơi nới? Do đó, muốn bảo tồn nhà cũ, phải giảm mật độ dân cư. Đối với chính sách ưu đãi cải tạo, xây dựng nhà ở cũ, có thể tham khảo mô hình ở các nước Đức, Indonesia, Italia, và TP Hà Nội cũng đã có nghiên cứu.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề xuất, với tiêu đề chính sách “Phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường của Thủ đô”, nên có nội dung về xây dựng mới. Mục tiêu của chính sách không chỉ cần đặc thù với nội đô lịch sử mà cần cho cả các đô thị khác hiện hữu ở Hà Nội, nên cần bổ sung về nội dung xây dựng mới trong Luật Thủ đô (sửa đổi).

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đề xuất, với tiêu đề chính sách “Phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường của Thủ đô”, nên có nội dung về xây dựng mới

Bên cạnh đó, tiêu đề chính sách chỉ nêu cơ sở hạ tầng giao thông là chưa đủ. Hạ tầng giao thông là cơ bản nhưng có gắn với hạ tầng kỹ thuật khác và các định hướng đột phá đã xác định hiện nay là kết cấu hạ tầng nên có thể điều chỉnh “hạ tầng kỹ thuật”.

Đối với chính sách “Liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm”, theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, đây là chính sách quan trọng liên quan đến quản lý dân số, kết cấu hạ tầng và cấu trúc mô hình Hà Nội. Về mục tiêu, phải rà soát lại Dự thảo để đảm bảo vai trò của Thủ đô với vùng và cả nước, không chỉ nên giới hạn “vùng Thủ đô”. Ngoài ra, dự thảo nêu 5 đề xuất, cần xem xét lại chính sách tăng thẩm quyền hội đồng điều phối và giao thẩm quyền cho TP chủ trì điều phối quản lý vùng...

Phát biểu tiếp thu và kết luận tọa đàm, TS Nguyễn Ngọc Kỳ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội trân trọng cảm ơn các đại biểu đã đóng góp ý kiến và khẳng định, tất cả các ý kiến sẽ được Viện tiếp thu, tổng hợp và báo cáo TP để Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng với chất lượng cao.

Hồng Thái - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc: https://kinhtedothi.vn/de-xuat-chinh-sach-uu-dai-de-cai-tao-nha-o-cu-trong-luat-thu-do.html