Đề xuất chuyển nguồn hơn 5.000 tỷ đồng ngân sách phòng, chống dịch Covid-19 sang năm 2022

08/01/2023 15:01

Kinhte&Xahoi Chiều 7/1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội (QH) nghe tờ trình của Chính phủ về việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022 và thảo luận tại tổ về nội dung này, cùng một số nội dung khác.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình.

Đề nghị cho phép 24 địa phương chuyển nguồn ngân sách chi phòng, chống dịch

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, căn cứ quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 của QH và Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 30/2021/QH15 của QH về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương rà soát, tổng hợp các khoản kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 còn dư dự toán, không thuộc các trường hợp đương nhiên được chuyển nguồn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và địa phương có nhu cầu tiếp tục sử dụng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2022.

Trên cơ sở tổng hợp của 24/54 địa phương, căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 30/2021/QH15 của QH, Chính phủ trình QH cho phép 24 địa phương được chuyển nguồn số kinh phí 5.016,7 tỷ đồng ngân sách địa phương được bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 nhưng chưa sử dụng hết sang niên độ ngân sách năm 2022 để các địa phương này tiếp tục chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2022 theo đúng quy định; không sử dụng cho mục đích khác.

Trình QH xem xét, quyết định là cần thiết

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của QH Nguyễn Phú Cường cho biết, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 64 của Luật Ngân sách nhà nước, khoản kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương không thuộc trường hợp được chuyển nguồn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của QH Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra.

Vì vậy, Chính phủ trình QH xem xét, quyết định việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022 là cần thiết.Theo quy định tại khoản 3 của Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/07/2021 của QH, QH đã ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét quyết định đối với các nhiệm vụ chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhưng chỉ được thực hiện cho đến hết ngày 31/12/2022. Đến nay, ngày 7/1/2023, đã hết thời hạn QH cho phép ủy quyền UBTVQH xem xét, quyết định nội dung này.

Về nội dung cụ thể, theo Tờ trình của Chính phủ, 24/54 địa phương có đề xuất chuyển nguồn kinh phí phòng chống dịch Covid-19 là 5.016,674 tỷ đồng đã được bố trí trong dự toán để chi cho phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 sang niên độ ngân sách năm 2022 để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2022.

Ủy ban Tài chính, ngân sách nhận thấy, việc bố trí nguồn cho công tác phòng chống dịch năm 2022 là cần thiết, do đó nhất trí với Tờ trình của Chính phủ cho phép chuyển nguồn kinh phí phòng chống dịch Covid-19 năm 2021 sang niên độ ngân sách năm 2022 với số tiền là 5.016,674 tỷ đồng của 24 địa phương và hủy dự toán đối với số chuyển nguồn không thực hiện, giải ngân đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2022.

Đối với các địa phương chưa có báo cáo về tình hình kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 còn dư, đề nghị thực hiện đúng quy định pháp luật, cắt giảm, hủy dự toán kinh phí ngân sách địa phương còn dư theo quy định. Các địa phương bảo đảm tự sắp xếp, cân đối nguồn lực để thực hiện, không bổ sung ngân sách trung ương thực hiện nhiệm vụ này.

Để bảo đảm đủ cơ sở pháp lý, phù hợp với thực tiễn, Ủy ban Tài chính, ngân sách kiến nghị QH cho phép chuyển nguồn kinh phí phòng chống dịch Covid-19 năm 2021 sang niên độ ngân sách năm 2022 với số tiền là 5.016,7 tỷ đồng của 24 địa phương và bổ sung nội dung này vào Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Sau khi nghe tờ trình, QH đã tiến hành thảo luận ở tổ về việc này và việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất cao với Tờ trình cũng như báo cáo của cơ quan thẩm tra việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn (đoàn Bắc Ninh) nhấn mạnh, theo quy định, Chính phủ trình QH quyết định các nội dung trên là đúng luật định. Vấn đề này cũng không làm phát sinh tổng mức đầu tư công trung hạn được QH thông qua.

Liên quan đến việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, các ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh giảm dự toán đối với các địa phương không sử dụng hết vốn vay lại được thực hiện đồng thời cùng với điều chỉnh tăng cho một số địa phương sẽ bảo đảm tổng thể không vượt mức bội chi Ngân sách nhà nước và bội chi ngân sách địa phương mà QH đã quyết nghị.

Đồng thời, nếu thực hiện điều chỉnh kịp thời sẽ giúp phản ánh chính xác về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước; để các địa phương và Chính phủ chủ động hơn trong điều hành.

Do vậy, các ý kiến bày tỏ nhất trí việc cho phép điều chỉnh giảm dự toán theo đề xuất của Chính phủ. Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát số liệu điều chỉnh tăng, giảm dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và chịu trách nhiệm về số liệu, bảo đảm tổng mức bội chi của ngân sách địa phương không tăng, dư nợ của từng địa phương đúng trong hạn mức theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và thời hạn giải ngân số vốn điều chỉnh tăng dự toán năm 2022 của các địa phương theo đúng quy định.

Minh Khôi- Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/de-xuat-chuyen-nguon-hon-5000-ty-dong-ngan-sach-phong-chong-dich-covid-19-sang-nam-2022-d188847.html