Đề xuất người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine COVID-19 cách ly tại nhà 3 ngày

16/12/2021 11:41

Kinhte&Xahoi Bộ Y tế đề xuất người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine COVID-19, xét nghiệm PCR âm tính sẽ cách ly tại nhà 3 ngày.

Hiện, dự thảo đang lấy ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất đến ngày 31/12/2021 phải cơ  bản hoàn thành 100% việc tiêm 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ em.

Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và các văn bản khác, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh Việt Nam qua đường hàng không (trừ trường hợp người nhập cảnh vào làm việc ngắn ngày và các trường hợp nhập cảnh khác theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế hoặc có thoả thuận hợp tác song phương).

Ảnh minh họa người nhập cảnh.

Về yêu cầu chung phòng, chống dịch, dự thảo của Bộ Y tế nêu rõ đối với người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh trong 72h trừ trường hợp trẻ em đưới 2 tuổi, thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh. Khi nhập cảnh Việt Nam cần cài đặt và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) để khai báo y tế, theo dõi sức khoẻ theo quy định của Việt Nam (đối với khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ thì khuyến khích sử dụng).

Trường hợp người nhập cảnh là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân (gồm vợ/chồng, con) chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine COVID-19 sẽ thực hiện tiêm chủng vaccine COVID-19 (tiêm miễn phí) trong thời gian thực hiện cách ly (nếu có nhu cầu).

Thực hiện chi trả chi phí xét nghiệm, chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và các chi phí liên quan khác (nếu có) trong phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/2/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19

Dự thảo của Bộ Y tế hướng dẫn trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh tự theo dõi sức khoẻ và không được tiếp xúc với người xung quanh; không được ra khỏi nhà hoặc ra khỏi địa điểm lưu trú tự bố trí (như khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, trụ sở của cơ quan đại diện, ký túc xá, nhà khách của cơ sở sản xuất, kinh doanh…).

Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR ngày thứ 1 và ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, tiếp tục theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh (hiện đang là cách ly tập trung 7 ngày và theo dõi sức khoẻ 7 ngày sau đó).

Trường hợp tự nguyện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 10 và có kết quả âm tính thì kết thúc thời gian theo dõi sức khoẻ. Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.

Tại dự thảo nên rõ, các trường hợp nhập cảnh chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine COVID-19 thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh; Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR ngày thứ 1 và ngày thứ 7.

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, tiếp tục theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày; Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR  ngày thứ 14 sau khi nhập cảnh. Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.

Đối với người nhập cảnh dưới 18 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền (nhưng không phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế) được cách ly cùng cha/mẹ/người chăm sóc.

Yêu cầu đối với người chăm sóc phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 và phải ký cam kết tự nguyện cách ly cùng sau khi được giải thích về các nguy cơ lây nhiễm COVID-19; phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về xét nghiệm và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 như đối với người nhập cảnh.

 Cao Sơn - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Thách thức mới về môi trường ở các huyện chuẩn bị lên quận

Việc chuyển một số huyện lên quận tại Hà Nội là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa. Điều này sẽ mang lại những lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng khiến các địa phương đối mặt với nhiều thách thức mới về môi trường, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Nguồn: Pháp luật Plus