Youtube được biết đến là nền tảng mạng xã hội cho người dùng xem, chia sẻ, đăng ký theo dõi các video được đăng tải. Tuy nhiên, bên cạnh những video có nội dung lành mạnh, nhiều Youtuber (người sáng tạo nội dung) đã đăng tải những nội dung sai sự thật, phản cảm, thậm chí dùng chiêu trò gây sốc để câu view, kiếm tiền,... gây ra nhiều hiệu ứng tiêu cực trong xã hội.
Dư luận đặt ra câu hỏi: Việc dẹp nạn Youtuber nhảm hiện nay khó hay dễ? Và đâu là chế tài để giải quyết hiện tượng này.
Thử thách đốt nhà của một kênh Youtube gây tranh cãi dư luận.
Câu view để nổi tiếng…
Sở hữu những kênh video có hàng triệu lượt theo dõi, đăng ký, nhiều Youtuber hiện nay đã nghiễm nhiên trở thành các “hiện tượng” được cộng đồng chú ý. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ những người tự xưng là Youtuber đang sản xuất những video có nội dung phản cảm, nhảm nhí,… để câu view, kiếm lợi nhuận bất chấp vi phạm pháp luật và cả thuần phong mỹ tục, thay vì đem lại những giá trị lành mạnh, đúng đắn cho cộng đồng.
Mới đây, kênh Youtube Thơ Nguyễn với gần 9 triệu người theo dõi đã đăng video “xin vía học giỏi” từ búp bê ma (Kumanthong). Video này đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của phụ huynh khi chứa nội dung tuyên truyền mê tín dị đoan, không phù hợp với lứa tuổi trẻ em. Hay vừa qua, hơn 500 video sai sự thật, sử dụng hình ảnh bạo lực, lời lẽ tục tĩu về nội dung “thầy chùa ăn thịt chó” tại huyện Củ Chi, TPHCM cũng được hàng loạt Youtuber dàn dựng, khai thác triệt để nhằm “câu view” kiếm tiền.
Đây chỉ là 2 trong số những vụ việc nổi cộm về Youtuber đăng tải những nội dung gây bức xúc trong xã hội. Trước đó, nhiều người tự xưng là Youtuber cũng từng kéo đến đám tang của các nghệ sĩ nổi tiếng để quay video câu view, lợi dụng các vụ việc xung đột trong xã hội để quay video, thậm chí tới hiện trường bắt tội phạm để quay video đăng tải trên các trang mạng xã hội…
Thực tế, cộng đồng người xem Youtube hiện nay đa phần là người trẻ, thường tò mò trước những nội dung gây sốc, phản cảm, các thử thách nguy hiểm. Việc các nội dung này xuất hiện nhan nhản trên các nền tảng video sẽ tác động đến nhận thức, lối sống của những người trẻ, dẫn tới những hành vi lệch lạc, thậm chí gây nên những hậu quả đau lòng như vụ việc bé trai 8 tuổi ở Đồng Nai tử vong do học theo một trò chơi trong “Thử thách Momo” vào tháng 11/2020.
Anh Đào Hồng Quân, ngụ tại Quận 2, lo lắng trước tình trạng “loạn” Youtuber hiện nay: “Bây giờ nhà nào cũng có trẻ con và đều cho các cháu xem Youtube, đó cũng là điều rất đáng lo ngại vì những nội dung như thử thách tự tử hay những trò nhảm nhí rất khó quản lý do chúng hiện lên bất chợt trong mỗi clip. Nếu Youtube không thực hiện các chính sách kiểm soát rõ ràng mà để lọt những clip này vào video mang tính giải trí của trẻ thì tôi thấy rất nguy hiểm”.
Kênh Youtube Thơ Nguyễn đã xoá video "xin vía học giỏi" bằng búp bê ma sau làn sóng phản đối của cư dân mạng.
Tự “đào hố dưới chân mình”?
Dưới góc nhìn xã hội, Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thuý cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “loạn” Youtuber. Đó là: do các kẽ hở trong việc kiểm duyệt nội dung, sự buông lỏng của các cơ quan quản lý hay việc tận dụng công nghệ để kiếm lợi bất chấp đạo đức và pháp luật… Đáng lo ngại hơn, nhiều Youtuber hiện nay sẵn sàng chấp nhận việc suy đồi đạo đức; “thích” nhận phê bình, chửi rủa từ cộng đồng mạng để được nổi tiếng. Nếu không có chế tài xử lý nghiêm khắc thì về lâu dài, Tiến sĩ Phạm Thị Thuý cho rằng những Youtuber “nhảm” sẽ trở thành “nạn nhân” của chính mình.
“Những Youtuber "nhảm" chỉ cần chạy theo những lợi nhuận nhất thời, họ quên mất việc tạo ra những giá trị tốt cho cộng đồng mới là làm giàu bền vững. Nếu họ làm những video phản cảm, phản giáo dục, hại trẻ em, hại những người quan tâm… thì chính họ đang "đào hố dưới chân mình" sớm muộn sẽ bị xử lý, hậu quả gây ra cho xã hội cực kỳ nghiêm trọng. Sớm hay muộn, họ sẽ bị xử lý, phải gỡ bỏ những thông tin, video có nội dung xấu, thậm chí phải đối mặt trước pháp luật”, Tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho biết.
Theo ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, trường hợp Youtuber Thơ Nguyễn bị mời làm việc và có hướng xử lý chính là hồi chuông cảnh báo về việc quản lý nội dung chia sẻ trên không gian mạng. Bởi, những hành động câu view bất chấp này đều hướng tới mục đích kiếm tiền, tạo cầu nối để trở thành “người nổi tiếng”.
Hiện nay, các trường hợp vi phạm quy định về sử dụng dịch vụ mạng xã hội, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật… chịu mức phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng theo định 15/2020 của Chính phủ. Tuy nhiên, theo ông Từ Lương, mức phạt này chưa đủ sức răn đe và cần có những chế tài nghiêm khắc hơn, thậm chí là phạt tù.
"Với những Youtuber, Facebooker có lượng theo dõi lớn nếu xử phạt từ 7,5-20 triệu đồng so với doanh thu hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng của một Youtuber sẽ quá chênh lệch không đủ sức răn đe. Trong thời gian tới, chắc chắn cơ quan nhà nước sẽ nghiên cứu để bổ sung, điều chỉnh các quy định pháp luật sao cho nâng cao chế tài để xử phạt nghiêm khắc đối với những clip có tác động, ảnh hưởng tới đời sống của người dân; thậm chí có thể phạt tù", ông Lương đề nghị.
Không thể phủ nhận Youtuber đang trở thành công việc thịnh hành tại Việt Nam bởi mức thu nhập khủng và bất cứ ai cũng có thể sáng tạo các nội dung video, tung lên để kiếm tiền. Tuy nhiên, ngăn chặn những video nhảm nhí, vi phạm pháp luật, dùng chiêu trò gây sốc là điều cần phải quyết liệt thực hiện ngay để tránh những hệ luỵ đau lòng và tạo dựng môi trường công bằng cho những Youtuber chân chính./.
Trịnh Giang - Theo VOV