Doanh nghiệp trực thuộc Bộ nên DIC Corp có nhiều “lợi thế”
Như trước đã có một số thông tin cho rằng dự án Vũng Tàu Gateway tại lô B13 Khu trung tâm Chí Linh, TP Vũng Tàu do Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) làm chủ đầu tư đã gặp khó khăn khi lập hồ sơ xin phép xây dựng. Nguyên nhân được cho là do giữa Quyết định phê duyệt và bản vẽ tổng mặt bằng quy hoạch không có sự thống nhất.
Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên thì dù chưa có giấy phép nhưng hiện dự án đã xây dựng đến tầng 14. Và DIC Corp vẫn đang tiến hành hoàn chỉnh thủ tục để xin cấp giấy phép xây dựng cho dự án này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, DIC Corp được thành lập từ năm 1990, tiền thân là Công ty trực thuộc Bộ Xây dựng. Năm 1993, Công ty có tên là Công ty Đầu tư Xây dựng và Dịch vụ du lịch. Năm 2001, Công ty đổi tên là Công ty Đầu tư Phát triển xây dựng (DIC). Năm 2007, Công ty bắt đầu tiến hành cổ phần hóa. Đến năm 2008, Công ty được đổi tên thành Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp).
DIC Corp được “chống lưng” để xây dựng dự án Vũng Tàu Gateway mà không cần giấy phép?
Theo đó, kể từ khi mới thành lập, DIC Corp có chức năng phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, điều dưỡng cho cán bộ công nhân ngành Xây dựng, đồng thời kết hợp kinh doanh du lịch, nghỉ mát cho du khách trong và ngoài nước. Bộ Xây dựng đã bổ nhiệm ông Nguyễn Thiện Tuấn làm Giám đốc Nhà nghỉ Xây dựng và sau đó là Chủ tịch HĐQT DIC Corp cho đến ngày nay.
Với “lợi thế” xuất thân là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng nên DIC Corp đã có hàng loạt dự án đình đám như Khu trung tâm đô thị Chí Linh, Tổ hợp khách sạn 5 sao Pullman và Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế Vũng Tàu, Cao ốc Thủy Tiên, Bệnh viện đa khoa Bà Rịa tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Khu biệt thự An Sơn tại Lâm Đồng; Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước tại Đồng Nai,…
Quyết định một đằng, bản vẽ một kiểu?
Khu dự án Vũng Tàu Gateway đã 7 lần được điều chỉnh quy hoạch kể từ khi dự án được thành lập từ năm 1993 đến nay. Trong đó đáng chú ý là lần điều chỉnh quy hoạch lần 3 theo Quyết định số 6871/QĐ-UBND (Quyết định 6871) ngày 21/7/2003 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR – VT)
Theo nội dung Quyết định 6871 thì lô đất có ký hiệu B13 (lô đất đang xây dựng Vũng Tàu Gateway) đã được điều chỉnh quy hoạch từ xây dựng khu dịch vụ thương mại, bể bơi cao 2 tầng thành quy hoạch tổ hợp chung cư cao 18 tầng, trong bản vẽ kèm theo có thể hiện lô B13 là tổ hợp chung cư cao 18 tầng.
Sau đó dự án được điều chỉnh quy hoạch thêm 4 lần nữa, trong đó lần 4 vào năm 2005 theo Quyết định số 678/QĐ-UB của UBND tỉnh BR-VT. Trong Quyết định 678 không có nội dung điều chỉnh lô B13 nhưng trong bản vẽ lô B13 lại có ký hiệu công trình chung cư cao 30 tầng.
Dù chưa được cấp giấy phép xây dựng nhưng dự án Vũng Tàu Gateway của DIC Corp đã xây dựng trái phép đến tầng 14?
Còn trong nội dung Quyết định số 921/QĐ-UB của UBND TP Vũng Tàu (điều chỉnh quy hoạch lần 5) năm 2007 vẫn không có nội dung điều chỉnh lô B13 nhưng trong bản vẽ lại thể hiện lô B13 là chung cư cao cấp 29 - 34 tầng Vũng Tàu Tower.
Tiếp đó, trong Quyết định số 3336/QĐ-UBND của UBND TP Vũng Tàu (điều chỉnh quy hoạch lần 6) năm 2008 cũng không có nội dung điều chỉnh lô B13 nhưng trong bản vẽ lại thể hiện lô B13 là chung cư 30 tầng Vũng Tàu Gateway.
Cuối cùng trong Quyết định số 2106/QĐ-UBND của UBND TP Vũng Tàu (điều chỉnh quy hoạch lần 7) năm 2006 tiếp tục không có nội dung điều chỉnh lô B13 nhưng trong bản vẽ lại thể hiện lô B13 là chung cư 30 tầng Vũng Tàu Gateway.
Theo đó, trong các lần điều chỉnh quy hoạch dự án Khu Trung tâm Chí Linh lần 4, lần 5, lần 6, lần 7 đều không có nội dung thể hiện việc điều chỉnh quy hoạch lô B13.
Như vậy, có thể thấy nếu các lần điều chỉnh quy hoạch sau không có nội dung thay đổi thì lô B13 sẽ phải được giữ nguyên theo quyết định điều chỉnh lần 3 vào năm 2003 (quy hoạch tổ hợp chung cư cao 18 tầng).
Vậy ai đã “chống lưng” cho DIC Corp để có thể điều chỉnh bản vẽ tổng mặt bằng quy hoạch Khu Trung tâm Chí Linh, TP Vũng Tàu thay đổi không đúng so với Quyết định điều chỉnh quy hoạch?
Theo Pháp luật Plus