Theo Tổng Cục thống kê, tình hình kinh tế – xã hội tháng 1 năm 2023 diễn ra trong bối cảnh cả nước đón Tết Nguyên đán Quý Mão đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023.
Điểm sáng tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 năm 2023. Ảnh minh họa/Internet
Các Bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra. Điểm sáng tình hình kinh tế – xã hội tháng 1 năm 2023 của nước ta như sau:
Tiến độ gieo cấy lúa đông xuân ở các địa phương phía Nam tăng so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi ổn định; nuôi trồng thủy sản đẩy mạnh thu hoạch để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán.
Tính đến ngày 15/01/2023, cả nước gieo cấy được 1.882,1 nghìn ha lúa đông xuân; các địa phương phía Nam đạt 1.777 nghìn ha, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi trong tháng phát triển ổn định, đảm bảo nguồn cung cho dịp Tết.
Tính đến cuối tháng 01/2023, tổng số lợn cả nước tăng 10,4% so với cùng thời điểm năm trước; tổng số gia cầm tăng 3,4%; tổng số bò tăng 3%.
Hoạt động trồng rừng và khai thác gỗ phát triển tốt. Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 01/2023 ước đạt 8,1 nghìn ha, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 956,1 nghìn m3, tăng 1,6%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 333,7 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 242,4 nghìn tấn, tăng 4%; tôm đạt 48,8 nghìn tấn, tăng 1%.
Chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 01/2023 tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản xuất đồ uống tăng 17,5%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị tăng 3,8%; khai thác quặng kim loại tăng 2,8%; hoạt động thu gom, xử lý, tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu tăng 2,4%.
Hoạt động dịch vụ trong tháng 1 tăng cao, đáp ứng nhu cầu mua sắm, đi lại của người dân trong dịp Tết. Trong đó: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2023 tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách tăng 34,7% và luân chuyển hành khách tăng 71,3%; vận chuyển hàng hóa tăng 16,2% và luân chuyển hàng hóa tăng 5,3%.
Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 1 ước đạt 871,2 nghìn lượt người, tăng 23,2% so với tháng trước và gấp 44,2 lần cùng kỳ năm trước do các chương trình thu hút khách du lịch quốc tế được đẩy mạnh khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 4% kế hoạch năm và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2022; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới gấp 3,1 lần cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.
Ước tính tháng 01/2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt hơn 27 nghìn tỷ đồng, bằng 4% kế hoạch năm và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 4,4% và tăng 12,4%).
Tính đến ngày 20/01/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới vào Việt Nam đạt 1,2 tỷ USD, gấp 3,1 lần cùng kỳ năm trước; có 89 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn, tăng 25,4%.
Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, nguồn cung hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán dồi dào, giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Một năm 2023 tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 01/2023 lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông nâng cao ý thức chấp hành của người dân nên đã giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm cả về số vụ và số người bị tai nạn. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 17,2%; số người chết giảm 10,1%; số người bị thương giảm 8,9% và số người bị thương nhẹ giảm 24,3%.
Như Trường - Pháp luật Plus