Điện một giá gần 3.000 đồng/kWh: Bất cập, người càng dùng nhiều càng có lợi
Kinhte&Xahoi
Điện một giá lên tới gần 3.000 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) do vậy chuyên gia cho rằng, những khách hàng dùng ít không nên lựa chọn sử dụng phương án này.
Phương án một giá điện vừa được Bộ Công Thương đưa ra thu hút sự quan tâm từ phía chuyên gia, dư luận.
Theo dự thảo Quyết định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất cách tính điện một giá bằng 145 hoặc 155% giá bán lẻ điện bình quân.
Với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 1.864,44 đồng một kWh, người dùng sẽ phải trả khoảng 2.703 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) nếu chọn phương án 145% và khoảng 2.890 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) nếu chọn phương án 155%.
Khách hàng dùng điện có thể chọn giữa phương án một giá điện và 5 bậc thang, thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang điện một giá (hoặc ngược lại) là một năm (12 kỳ hóa đơn thanh toán).
Trao đổi với Dân trí, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, giá điện bậc thang vẫn hợp lý hơn trong bối cảnh hiện nay. Ông không ủng hộ phương án một giá điện dự thảo nêu ra.
“Nếu tính cả VAT thì giá điện một giá là hơn 3.000 đồng mỗi kWh thì thử hỏi những người thu nhập thấp, học sinh, sinh viên, công nhân… họ có đủ tiền trả không. Trong khi người giàu dùng nhiều điện lại được lợi. Sẽ có lợi cho người tiêu thụ nhiều điện, khi họ dùng hàng nghìn kWh cũng chỉ bị áp một giá vì chỉ phải trả mức rẻ hơn nhiều so với trước khi dùng bậc thang”, ông Ngãi cho biết.
Làm một tính toán toán đơn giản, nếu chọn bậc thang luỹ tiến như trong dự thảo, những người dùng 700kWh trở lên thì sẽ phải dùng giá điện khoảng hơn 5.000 đồng/kWh. Vậy nếu chọn điện một giá, họ có lợi hơn rất nhiều.
GS. Trần Văn Bình - Viện kinh tế quản lý, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng phương án một giá điện chỉ mang tính tình thế, “đối phó” dư luận mà không giải quyết căn cơ gốc rễ vấn đề về biểu giá điện.
“Những khách hàng dùng ở mức thấp dùng giá điện bậc thang vẫn có lợi hơn so với việc dùng điện một giá”, ông Bình nói.
Ông Trần Viết Ngãi cũng cho rằng, nên để cơ cấu biểu giá điện theo 5 bậc. Trong đó, mức độ giãn cách các bậc bao nhiêu cần tính toán để đảm bảo 2 điều kiện: Tập đoàn Điện lực VN (EVN) không bị lỗ và thứ 2 là đảm bảo mức chi trả của người dân.
Khi bàn về phương án một giá điện, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cho rằng, nếu một giá điện để giá thấp sẽ không đảm bảo được mục tiêu tiết kiệm điện. EVN cũng sẽ giảm doanh thu ở những người đang dùng nhiều điện, có thể tạo áp lực chung lên giá điện.
Trong một lần phát biểu trước báo giới, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh từng cho rằng một giá điện là khó khả thi với cơ cấu nguồn điện đang thiếu hiện nay ở Việt Nam.
“Theo tính toán, nếu ở ngưỡng nằm giữa bậc giá 3-4 hiện nay thì trung hoà về mức độ chi trả khác nhau. Nếu đặt ra ở mức giá này thì những người thu nhập thấp họ phải trả hơn người thu nhập cao. Vậy thì có đảm bảo công bằng xã hội không? Có hợp lý hay không. Còn nếu đặt giá thấp hơn thì có đảm bảo được chủ trương tiết kiệm điện hay không?”, ông Sơn đặt vấn đề.
Còn trong trường hợp đưa ra mức giá cao thì theo ông Sơn, vai trò điện một giá lại không còn ý nghĩa gì nữa, vì đằng nào chúng ta cũng phải trả mức giá cao nhất rồi.
Các phương án về giá điện vừa được đưa ra tại dự thảo:
Các phương án về sửa đổi biểu giá đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến. Dự kiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới sẽ áp dụng từ đầu năm 2021.
Nguyễn Mạnh - Theo Dân Trí