Các địa phương tạo thuận lợi tối đa để người dân về quê dịp Tết
Theo dự báo của cơ quan chức năng, tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, do số lượng người làm ăn xa quê trở về quê ngày một tăng vào dịp Tết.
Tuy nhiên, để người dân làm quen, thích ứng dần với công tác phòng chống, dịch trong tình hình mới cũng như tạo thuận lợi cho người dân về quê và hoạt động lưu thông hàng hóa, các tỉnh, thành phố đã có phương án, chỉ đạo các địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân về quê đón Tết an toàn.
Tại tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các huyện, thành phố dỡ toàn bộ chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, đúng 12h ngày 22/1, tại các chốt kiểm soát, lực lượng chức năng đồng thời đã dỡ bỏ lán bạt, barie, thu gọn bàn ghế, dụng cụ, phương tiện làm việc tại đây.
Tại chốt kiểm soát cầu Vát, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa), lực lượng đã tiến hành dỡ lán bạt, barie, thu gọn bàn ghế, dụng cụ, phương tiện làm việc
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, sau khi dỡ chốt, các huyện tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch COVID-19 trong Nhân dân. Tất cả các trường hợp đi từ vùng dịch về vẫn phải đến trạm y tế khai báo thông tin, các địa phương sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng, chống dịch.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và Tết Nguyên đán đang cận kề, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân vẫn phải tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác để bảo vệ sức khỏe, không làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Tại tỉnh Hải Dương, UBND tỉnh cũng yêu cầu tất cả các trường hợp về quê ăn Tết phải thực hiện nghiêm 5K, tự theo dõi sức khỏe không được tụ tập và đến nơi đông người, nếu có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng… thì báo ngay cho y tế địa phương để xử lý theo quy định. Nếu người nào không tuân thủ, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Hải Dương yêu cầu tiếp tục dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như: Karaoke, mát xa, quán bar, vũ trường, quán game Internet, rạp chiếu phim...
Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng (vườn hoa, công viên...) trong cùng một thời điểm. Các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh cho phép đón khách ngoại tỉnh đối với các trường hợp đã tiêm đủ liều vắc xin, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng (trừ trường hợp trẻ em dưới 12 tuổi) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.
Người dân về quê không cần cách ly y tế
Theo Bộ Y tế, hiện nay, tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại các tỉnh, thành phố đã đạt tỉ lệ cao. Người từ 18 tuổi trở lên được tiêm 1 mũi đạt 100%, tiêm đủ 2 mũi đạt 95,6%, tiêm mũi 3 đạt 18,6%; Trẻ em (12-17 tuổi) tiêm mũi 1 đạt 94,1%, tiêm đủ 2 mũi đạt 82,2%.
Người dân về quê ăn Tết cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế
Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2022 và đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai các nội dung, cụ thể:
Hướng dẫn người dân về quê nhân dịp Tết Nguyên đán thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 gồm thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe, không phải cách ly y tế; Nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-COV-2 và xử trí theo quy định.
Các địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; Kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp. Kiên quyết không để xảy ra các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thanh Hà - TTTĐ